Trực thăng EC130T2 tại sân bay Gia Lâm |
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ CHK Gia Lâm được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 980/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2006. Theo đó, vai trò CHK Gia Lâm là CHK nội địa cấp 3C và sân bay quân sự cấp II. Tuy nhiên, do các hạn chế về nguồn vốn nên Bộ GTVT chưa tiến hành đầu tư khu hàng không dân dụng tại CHK Gia Lâm.
Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, CTCP Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Hàng không (Tư vấn AEC) đã đánh giá việc phát triển CHK Gia Lâm để khai thác dân dụng giai đoạn đến năm 2020 không còn phù hợp chung với xu hướng phát triển các CHK ra khỏi khu vực nội thành trên thế giới; không phù hợp với với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam và xu thế phát triển đội tàu bay trên thế giới vì để có thể khai thác dân dụng tại CHK Gia Lâm sẽ phải kéo dài đường cất/ hạ cánh.
Tuy nhiên, việc kéo dài đường cất/ hạ cánh khó khả thi do không phù hợp với quy hoạch phát triển của TP Hà Nội và quy hoạch vùng Thủ đô. Vì vậy, Tư vấn AEC đã đề nghị đưa CHK Gia Lâm ra khỏi mạng CHK toàn quốc.
Theo các chuyên gia hàng không, sân bay Gia Lâm hiện chỉ khai thác được tàu bay ATR72 và tương đương trở xuống. Năm 2006, CHK này đã được quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp 3C của ICAO, đảm bảo phục vụ khai thác các đường bay ngắn trong khu vực phía Bắc như: Hà Nội - Điện Biên, Hà Nội - Nà Sản, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Vinh bằng máy bay ATR72, F70.
Tuy nhiên, do sự phát triển về hạ tầng đường bộ hiện nay và việc duy trì các đường bay ngắn nói trên khó khả thi do thời gian di chuyển, chờ không lệch nhau nhiều. Đó là chưa nói đến việc trong kế hoạch phát triển đội tàu bay, các hãng hàng không trong nước đều sẽ loại dần những tàu bay nhỏ như ATR72, F70 trở xuống. Trong khi đó, như đã nói trên, việc nâng cấp kéo dài đường cất/hạ cánh không khả thi do 2 đầu cất/hạ cánh đều vướng đường bộ và đường sắt. Sân bay Gia Lâm cũng nằm trọn trong khu vực nội đô TP Hà Nội nên việc mở rộng để đón các tàu bay lớn hơn không đảm bảo môi trường tiếng ồn cho các khu dân cư đông đúc bên cạnh.
Theo Cục Hàng không VN, CHK Gia Lâm đang do Quân chủng PKKQ quản lý, khai thác bay quân sự, không có hoạt động bay dân dụng. Việc hủy quy hoạch CHK Gia Lâm chỉ mang tính chất hủy quy hoạch hoạt động bay dân dụng và chức năng là sân bay dùng chung. CHK Gia Lâm vẫn giữ nguyên quy mô và vai trò hiện hữu là sân bay quân sự.
Trước đó, trong Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT “thực hiện các thủ tục bãi bỏ quy hoạch tổng thể CHK Gia Lâm đã duyệt để Bộ Quốc phòng quản lý theo hiện trạng”.
CHK Gia Lâm có diện tích 320,61ha, trong đó đất do hàng không dân dụng quản lý là 91,77ha, đất dùng chung là 66,4ha, đất do quân sự quản lý là 144,44ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận