Góc nhìn

Sân bay hơn 400 triệu USD bỏ không vì... gió

15/06/2016, 07:06

Một sân bay của Anh trị giá 285 triệu bảng (404 triệu USD) không thể đi vào hoạt động vì sân bay... quá gió.

Duong bang 1
Sân bay được xây dựng trên núi nên gặp nhiều vấn đề về an toàn

Một sân bay mới được xây dựng trên đảo South Atlantic của Anh trị giá 285 triệu bảng (404 triệu USD) bằng ngân sách công nhưng nay không thể đi vào hoạt động vì sân bay... quá gió.

Dự án đầy sóng gió

Dự án phát triển Sân bay St Helena, trên đảo South Atlantic được Chính phủ Anh thông qua năm 2010 dưới thời Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Andrew Mitchell, với số vốn đầu tư nằm trong top cao nhất mà chính phủ đầu tư vùng đất của Anh ở nước ngoài. Sân bay dự kiến mở cửa từ tháng 5/2016 với hy vọng tạo lợi nhuận cho Nam Atlantic phát triển kinh tế, tiến tới chấm dứt cảnh chờ đợi trợ cấp từ Chính phủ Anh.

Hiện tại, để đến được hòn đảo này, người ta chỉ có thể sử dụng đường biển nhưng con tàu Royal Mail già cỗi đã “về vườn” đẩy hòn đảo rơi vào tình trạng bị cô lập. Với dự án sân bay này, Chính phủ hy vọng, nó sẽ phục vụ các chuyến bay hàng tuần từ Johannesburg - South Atlantic và các chuyến bay hàng tháng từ Anh - South Atlantic, nhằm thúc đẩy du lịch, tạo công ăn việc làm, phát triển xã hội.

Song, trong quá trình kiểm tra sau khi sân bay hoàn thành, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO), cơ quan giám sát chi tiêu của Chính phủ Anh phát hiện, Sân bay St Helena không thể khai trương vì lý do an toàn. Cụ thể, báo cáo của NAO phát hiện một số vấn đề liên quan đến hiện tượng “gió đứt” (windshear) và luồng chuyển động không đều của không khí. Windshear là hiện tượng thay đổi hướng gió hoặc thay đổi tốc độ đột ngột mạnh mẽ có thể khiến máy bay lớn mất thăng bằng. Đây là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn trên khắp thế giới.

Gần đây, cựu Phó Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh Michael Ashcroft buộc phải hủy bỏ chuyến thăm South Atlatic vì “lo ngại sân bay quá nguy hiểm”. Ông Ashcroft nói: “Các chuyên gia hàng không đang nỗ lực hết sức để tìm giải pháp khắc phục vấn đề "gió đứt". Nhưng đây là hiện tượng vô cùng nguy hiểm. Có thể nói, dự án này đã “ném cục tiền lớn qua cửa sổ” và là nỗi ô nhục của chính phủ.

Trong đoạn video bay thử do Comair, một chi nhánh của hãng hàng không British Airway thực hiện, chiếc Boeing 737 chòng chành, nghiêng ngả bên này sang bên kia cuối cùng phải bỏ cuộc trong lần thử hạ cánh đầu tiên.

Hàng loạt thiệt hại bổ sung

Ngay từ khi đề xuất, dự án đã vấp phải nhiều chỉ trích. Ban đầu, Sân bay St Helena dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2005 nhưng vì chi tiêu công eo hẹp nên dự án liên tiếp bị trì hoãn tới tận năm 2010. Khi được thông qua, Chính phủ bị chỉ trích nặng nề vì chi tiêu không hợp lý khi đầu tư khoản lớn vào hòn đảo hơn 4.000 dân.

Về phía mình, cựu Bộ trưởng Andrew Mitchell biện luận: “Chính phủ cần phải có trách nhiệm đặc biệt và nghĩa vụ quốc tế đối với các vùng đất của Anh ở nước ngoài, ủng hộ kinh tế các khu vực này phát triển. Do vậy, Anh không chỉ nên xây dựng một sân bay mà còn phải chi ước tính 64 triệu bảng Anh để đóng tàu mới phục vụ vận tải cho khu vực này vì con tàu hiện nay hết hạn sử dụng”.

Dự án Sân bay St Helena sẽ phải tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục được trở ngại về điều kiện thời tiết; đồng nghĩa Chính phủ sẽ chịu thêm gánh nặng về chi phí trợ cấp và bảo trì sân bay.

NAO cho biết, Bộ Phát triển Quốc tế của Anh (DfID) trợ cấp cho St Helena 28 triệu bảng trong giai đoạn 2015-2016, dự kiến phải hỗ trợ thêm tổng cộng 667 triệu bảng Anh từ nay tới năm 2043, khi chính sách trợ cấp kết thúc. Số tiền này sẽ còn cao hơn sau khi dự án sân bay không thành công như mong đợi. Các nhà kiểm toán lo ngại, nếu không có sân bay, đảo South Atlantic không thể thu hút khách du lịch để “tự sản tự tiêu”.

Bà Diane Abbott, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế đương nhiệm thuộc phe đối lập chỉ trích: “Đây là vấn đề vô cùng đáng ngại khi khoản đầu tư khổng lồ không được Chính phủ sử dụng đúng cách... Các bộ trưởng yêu cầu Chính phủ phải làm rõ những tác động bổ sung khi Sân bay St Helena tạm dừng”.

Ngoài ra, ông Tim Farron, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do đặt nghi vấn: Tại sao Chính phủ không nghiên cứu kỹ vấn đề “gió đứt” trước khi mạnh tay chi tiền để đến khi xây dựng xong mới “tá hỏa”. Ông Tim chỉ trích đây là hành vi sử dụng vốn sai trái nghiêm trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.