Thế giới giao thông

Sân bay lớn của Anh “hút” giới đầu tư nước ngoài

09/03/2016, 13:18

Ontario Teachers’ Pension Plan - Quỹ lương hưu Canada vừa giành được quyền mua sân bay London City.

san bay

Sân bay London City được các nhà đầu tư Canada mua lại với giá 2 tỷ bảng (gần 3 tỷ USD)

Cao gấp 44 lần doanh thu

Được thành lập năm 1987, sân bay London City đã từng được bán cho doanh nhân người Ailen Dermot Desmond với giá 23,5 triệu bảng vào năm 1995 và bán lại cho GIP American International Group Inc vào năm 2006. Các báo cáo ở thời điểm đó cho biết, các công ty đã trả 750 triệu bảng, dù các điều khoản chưa được tiết lộ. Hai năm sau, AIG bán cổ phần cho GIP và Highstar Capital.

Sân bay London City đã tăng khoảng 50% lượng hành khách trong 2 năm và là sân bay gần nhất với trung tâm tài chính của thủ đô London. London City cũng là một trong các cơ sở hạ tầng hàng đầu của Anh và chỉ cách trung tâm tài chính Canary Wharf (London) 3 dặm, đồng thời là sân bay yêu thích của hành khách, một phần vì quy mô nhà ga vừa phải, khiến họ nhanh chóng đi từ cổng vào đến máy bay hơn so với các sân bay lớn.

Theo các nguồn thạo tin, số tiền 2 tỷ bảng (gần 3 tỷ USD) mà Quỹ bỏ ra mua sân bay, cao gấp 44 lần các khoản thu của sân bay không tính lãi, thuế, các khoản chiết khấu và các khoản nợ 45,8 triệu bảng trong năm 2014 (dữ liệu có sẵn gần đây nhất).

Khó tăng phí sau khi bán

Sân bay London City hiện đang đối mặt với sự phản đối của các chính trị gia và bị hạn chế trong khía cạnh tăng trưởng vì đường băng không thể tiếp nhận các máy bay cỡ lỡn. Do được xây dựng sát bến cảng bên bờ sông Thames, đường băng dài 1,2km và chỉ phù hợp với máy bay cỡ nhỏ.

Thị trưởng London Boris Johnson muốn hạn chế hoạt động của London City, thậm chí đóng cửa sân bay này vì việc nó nằm ở trung tâm đô thị là một vị trí không phù hợp, cùng với việc nó gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Ông Johnson, một trong những chính trị gia hành đầu và được coi là có nhiều tiềm năng trở thành thủ tướng, năm ngoái đã bác bỏ kế hoạch 250 triệu bảng để thêm các bến đậu sân bay, nhà sảnh chờ và đường băng để giúp sân bay này có thể đón 6,5 triệu hành khách mỗi năm đến 2030, so với 4,32 triệu năm 2015. Lượng hành khách mà London City tiếp đón trong năm 2015 chỉ bằng 1/17 so với sân bay London Heathrow với 75 triệu hành khách.

Các hãng hàng không hoạt động tại sân bay London City lo ngại, chủ đầu tư mới sẽ tăng các loại phí tại sân bay để thu hồi tiền đầu tư. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Hãng hàng không City Jet, ông Peter Oncken nhận định: “Tôi không nghĩ việc tăng phí là khả thi bởi London có tới 6 sân bay. Hành khách sẽ cân nhắc khi đi lại nếu chi phí đắt đỏ hơn. Chủ sở hữu biết điều này và chúng tôi mong họ sẽ nói cho những người sử dụng sân bay biết họ định tiến hành như thế nào”.

Tư nhân sở hữu 53% sân bay Anh

Phần lớn các sân bay lớn nhất của Anh hiện do các quỹ đầu tư cổ phiếu tư nhân hay các quỹ lương hưu nước ngoài sở hữu. Việc bán sân bay London City - nằm gần trung tâm tài chính Canary Wharf ở Thủ đô London cho Ontario Teachers’ Pension Plan với giá 2 tỷ bảng Anh là một sự tiếp nối xu hướng giới đầu tư nước ngoài sở hữu các sân bay của Anh kể từ sau khi Tập đoàn điều hành sân bay BAA (hiện có tên là Heathrow Airport Holdings) buộc phải bán sân bay Gatwick. Ontario Teachers’ Pension Plan hiện sở hữu 5 sân bay tại châu Âu, trong đó có sân bay Bristol và Birmingham của Anh.

Báo cáo của Hội đồng sân bay quốc tế châu Âu cho thấy gần 53% sân bay của Anh hiện do tư nhân sở hữu hoàn toàn, hơn 25% sân bay do Nhà nước và tư nhân cùng sở hữu và 21,1% thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần đa số trong hai sân bay lớn nhất của Anh là Heathrow và Gatwick và một số sân bay khác như Edinburgh, Bristol, Aberdeen và Belfast.

Các nhà đầu tư trên thế giới vẫn đang tìm kiếm cơ hội tại các sân bay ở Anh, đặc biệt là các sân bay tại Thủ đô London. Trong khi đó, cho tới thời điểm này, các khoản đầu tư nước ngoài cũng mang tới lợi ích cho các sân bay của Anh. Cụ thể, sau khi được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, sân bay Gatwick có thể đầu tư 1 tỷ bảng để tái phát triển nhà ga phía Bắc, trong khi sân bay Heathrow dành 11 tỷ bảng trong thập niên qua để xây dựng nhà ga số 2 và nhà ga số 5. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài hiện chủ yếu tập trung vào các sân bay lớn và sân bay chủ chốt của Anh, các sân bay nhỏ vẫn phải vật lộn với khó khăn hoặc đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.