Điện ảnh

Sân khấu kịch TP.HCM dần “tỉnh giấc”

16/11/2021, 06:20

Các sân khấu không thể bán giá vé cao để bù lỗ, trong khi khán giả ngại đến nơi đông người. Nếu có sự trợ giúp, sân khấu xã hội hóa sẽ hồi phục.

Sau khoảng nửa năm “ngủ im” do tình hình dịch bệnh, một số sân khấu ở TP.HCM đã bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những người làm sân khấu vẫn trong trạng thái cầm chừng.

img

Các nghệ sĩ sân khấu kịch Hồng Vân tập vở “Ngôi nhà trên thuyền”

Nơi rục rịch, nơi “bất động”

Những ngày này, sân khấu kịch Hồng Vân đã bắt đầu “thở” khi khởi công hai vở diễn mới sau thời gian dài phải “đóng băng” hoạt động.

Hai vở diễn mang tên “Ngã rẽ” và “Ngôi nhà trên thuyền” vừa để thi Liên hoan sân khấu toàn quốc, vừa để làm vở diễn Tết.

Theo NSND Hồng Vân, hiện các sân khấu vẫn phải chờ lệnh vì TP.HCM chưa có công văn chính thức cho mở lại các hoạt động giải trí, sân khấu nhưng chị vẫn cho các diễn viên tập kịch, dựng vở trước để kịp tham gia liên hoan vào ngày 15/1/2022.

Ngoài ra, còn để khi nào sân khấu được diễn lại là có vở diễn luôn, tránh tình trạng “nước tới chân mới nhảy”.

Khán giả TP.HCM luôn có một lượng không nhỏ thích đến sân khấu. Đó có thể là niềm an ủi với chúng tôi. Với tôi, đó là những khán giả sành điệu. Họ thích bỏ tiền ra để trực tiếp có những cảm xúc trọn vẹn. Họ là những người bạn tri kỷ với sân khấu và tôi tin, họ cũng nhớ sân khấu như chúng tôi.
NSƯT Thành Lộc


Trở lại lần này, sân khấu kịch Hồng Vân làm hai vở chính kịch mang tinh thần lạc quan, nhân văn.

Vở “Ngôi nhà trên thuyền” nói về đề tài chất độc màu da cam. Tác phẩm khai thác nội tâm của những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, chịu thiệt thòi trong chiến tranh và ở thời bình, họ vẫn phải đối mặt với lựa chọn có hy sinh tình yêu hay không.

Khi lý trí không thắng nổi con tim, tình yêu “đơm hoa kết trái” để rồi kết quả, những đứa con được sinh ra lại chịu di chứng. Điều đó khiến họ dằn vặt, dày vò bản thân.

Trong khi đó, vở “Ngã rẽ” lại dành cho khán giả trẻ khi nói về chủ đề sự lựa chọn trước những con đường tương lai sau khi bước ra khỏi ghế nhà trường.

Theo NSND Hồng Vân, chị làm hai vở diễn này để “diễn viên nào cũng được phân vai”. Từ diễn viên trẻ tới những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm của sân khấu. Bởi sau đợt dịch, chị muốn cho tất cả đều có vai diễn.

Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng bắt đầu tập thoại, trao đổi online để dàn dựng “Blouse trắng”. Tác phẩm tâm lý xã hội với chủ đề về tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, sân khấu Trịnh Kim Chi cũng cho các diễn viên dần tập lại những vở cũ để Tết Nguyên đán, nếu tình hình khả quan sẽ có vở phục vụ khán giả.

Vì dịch bệnh vẫn phức tạp nên khi hoạt động lại, các diễn viên phải phân lịch tập, tránh tập trung đông người; diễn viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; các vai quần chúng chưa tập vội.

TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị số 18/CT-UBND. Trong đó, các sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được tổ chức với quy mô tối đa 60 người, với điều kiện có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Trong khi đó, các sân khấu cần đông người và một ê-kíp trung bình cần khoảng 30 người nên nhiều sân khấu vẫn “án binh bất động” như Idecaf, kịch 5B, Thế giới trẻ…

NSƯT Thành Lộc, Phó giám đốc sân khấu Idecaf cho biết, hè năm nay, Idecaf đã đổ khoản vốn lớn để dựng chương trình “Ngày xửa ngày xưa” cho thiếu nhi nhưng lại không hoạt động được vì dịch.

Thậm chí đến giờ, khi dịch bệnh đỡ hơn, Idecaf mới bắt đầu… trả lại tiền vé cho khán giả. Anh thừa nhận, sân khấu không dám đổ tiền ra để tập vở hay làm gì chừng nào chưa biết bao giờ mình được diễn lại. Nếu chỉ được quy mô tối đa 60 người sẽ lỗ vốn vì “bán vé bao nhiêu mới đủ bù vốn?”.

Thấp thỏm thị hiếu khán giả

img

TP.HCM chưa có công văn chính thức cho mở lại các hoạt động giải trí, sân khấu nhưng NSND Hồng Vân vẫn cho các diễn viên tập kịch

Sân khấu mới ở giai đoạn đầu “tỉnh giấc” nên đến hiện tại, các đơn vị đều chưa có kế hoạch bán vé diễn trở lại. Tuy nhiên, những người làm sân khấu đều lường trước sắp tới sẽ là chuỗi ngày khó khăn để kéo khán giả tới rạp.

Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý sân khấu Thế giới Trẻ phân tích, hiện nay khán giả có tâm lý ngại nơi đông người. Khi diễn lại, có thể sân khấu phải có khuyến mãi, làm chương trình thú vị để khán giả trở lại nhiều hơn.

Anh cũng dự đoán, mùa kịch Tết năm nay cũng bị ảnh hưởng, không phong phú như mọi năm. Mọi năm, các sân khấu thường có khoảng 3 vở diễn Tết thì năm nay, có thể chỉ còn 2.

“Như chúng tôi, sẽ chỉ dựng một vở mới, còn những vở dựng năm ngoái mới diễn vài suất nên vẫn mới, năm nay sẽ tập lại để đỡ chi phí dựng vở”, anh tiết lộ.

Quả thực, NSND Hồng Vân tiết lộ, Tết năm nay cũng chỉ có 2 vở mới mà chị đang dàn dựng. Chị cho biết, hiện tại cũng chưa lường được khán giả thay đổi như thế nào, có mặn mà với sân khấu nữa hay không, đối tượng là ai. Chị đoán sau đợt này sẽ “gạn lọc khơi trong” cả nghệ sĩ lẫn khán giả.

Trong khi đó, khán giả có nhiều lựa chọn về giải trí nên sân khấu phải tự chọn khán giả cho mình. Đó là một trong những lý do chị muốn trở lại dòng chính kịch mang hơi hướng đời, để những khán giả thực sự yêu sân khấu sẽ đến cùng trải nghiệm, đánh giá thông điệp, hướng mọi người tới điều tốt đẹp.

“Tôi sẽ không tăng giá vé, chỉ cố gắng giữ sân khấu và khán giả chứ không nghĩ về lợi nhuận. Từ lâu rồi, sân khấu không có lợi nhuận, chỉ giữ được nhờ sự bám trụ của diễn viên. Diễn viên bám trụ cũng vì yêu nghề và với sân khấu xã hội hóa, họ xác định phải hy sinh. Có thể kiếm tiền ở đâu, chứ đến sân khấu chỉ chia sẻ đam mê”, NSND Hồng Vân tâm sự.

NSƯT Trịnh Kim Chi lại đánh giá, các sân khấu gần như bắt đầu lại từ đầu. Để hồi phục cần có một thời gian dài.

Ngoài tâm lý sợ dịch bùng lại của khán giả, chính diễn viên cũng e ngại để chuẩn bị bước đầu tiên mà chưa biết bao giờ có thể bắt đầu.

Ngoài ra khi tập luyện, một số sân khấu vẫn chưa hoạt động nên diễn viên phải đến quán cà phê để tập. Điều này khiến nghệ sĩ dễ mất tập trung làm việc.

“Chúng tôi cứ “gối đầu” trước để khi nào có quyết định cho mở sân khấu là có vở luôn. Thực ra nghỉ lâu quá nên mọi người đều muốn làm nghề, nô nức tập chứ không nghĩ bao giờ được diễn để có tiền”, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi bộc bạch.

Trịnh Kim Chi cũng cho rằng, với những khó khăn trước mắt của các sân khấu xã hội hóa, sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất cần thiết.

Bởi, các sân khấu không thể bán giá vé cao để đủ bù lỗ, trong khi khán giả ngại đến nơi đông người. Do đó, nếu có sự trợ giúp, sân khấu xã hội hóa sẽ có thể nhanh chóng hồi phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.