Điện ảnh

Sân khấu mini có “cứu” được nghệ thuật truyền thống?

19/11/2020, 06:20

Lần đầu tiên trong ngành nghệ thuật truyền thống xuất hiện một dạng sân khấu cải lương mini với diện tích 25m2.

img
Một cảnh trong vở diễn “Án tình” trên sân khấu cải lương mini

Ở đấy, khán phòng kín chỗ cũng chỉ đến 100 người, doanh thu một đêm diễn chỉ khoảng 35 triệu đồng và sân khấu thể nghiệm, hiện đại với chỉ một vài diễn viên.

Sân khấu 25m2

Làng cải lương vừa xôn xao trước một sân khấu đặc biệt, nhỏ nhất từ trước tới nay với chỉ 25m2. Đó là sân khấu Sen Việt tọa lạc trong tòa nhà sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm hẹn mới cho khán giả yêu cải lương vào mỗi cuối tuần. Với không gian nhỏ, khán phòng chỉ có 100 ghế ngồi.

Sân khấu nhỏ là con dao hai lưỡi. Nó mang lại sự an toàn cho những nhà đầu tư không có kinh tế nhưng bất lợi cho ai muốn làm một vở hoành tráng, đúng chất nghệ thuật. Điều buồn nhất của cải lương hiện nay là nói hát ở sân khấu nhỏ cũng được. Nếu vậy, đến bao giờ mới có những vở như “Tô Ánh Nguyệt”, “Chiếc áo thiên nga”? Đây chỉ là một cách làm chứ không phải hướng đi vực dậy cải lương.
NSƯT Kim Tử Long


Tuy nhiên, sân khấu này được đầu tư với mức kinh phí lên tới gần 2 tỷ đồng, các trang thiết bị, kỹ thuật, hệ thống âm thanh ánh sáng đều được đầu tư mới.

Chính thức đi vào hoạt động từ gần cuối tháng 10, tới nay, sân khấu đã ra mắt hai vở diễn “Truyền tích Cổ Loa xưa” và “Án tình”. Cả hai đều là tác phẩm thể nghiệm.

Trong đó, “Truyền tích Cổ Loa xưa” (tác giả: Mai Phương - Nguyên Phương, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) từng giành HCB tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 4/2020, thể nghiệm phối hợp nhiều loại hình từ cải lương, ca múa nhạc... và vở “Án tình” (đạo diễn Ngọc Quyền) lại chỉ có 3 diễn viên. Loại hình thể nghiệm cũng chính là hướng đi của dạng sân khấu đặc biệt này.

Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc phụ trách sân khấu, vì diện tích nhỏ nên cũng kén vở diễn, nhất là những vở diễn dự kiến có cổ trang. Các nghệ sĩ hạn chế diễn cải lương Hồ Quảng hay các tuồng cổ trang cần sự hoành tráng vì không gian không phù hợp. Số lượng diễn viên trong các vở chỉ khoảng 6 người trở xuống và có vở thử nghiệm “Nhật thực” chỉ có 1 diễn viên.

Ngoài ra, trong quá trình diễn, sân khấu cũng được thiết kế linh hoạt, sử dụng nhiều bục bệ rải rác để mở rộng không gian, đặt để ánh sáng, âm thanh… Vì không tiện cho trang trí cảnh trí thoải mái, hoành tráng nên sân khấu có màn hình led để truyền tải bối cảnh thuận lợi hơn.

Có lẽ vì sự mới mẻ nên hai suất diễn vừa qua ở sân khấu, lượng khán giả đều đạt trên 70 người. Các vở được dàn dựng mang tiết tấu, tinh thần cải lương hiện đại hơn với thời lượng khoảng 90 phút trở lại, không rề rà để phù hợp xu hướng thưởng thức nghệ thuật hiện đại của khán giả ngày nay.

Cũng vì không gian mini ấy, giá vé xem cải lương cũng giảm chỉ còn 350.000 đồng/vé. Đây là mức giá rẻ nhất trong nhiều năm qua khi xem cải lương. Khán giả đã quen khi xem các vở cải lương lớn được thực hiện ở rạp Trần Hưng Đạo, Nhà hát Lớn TP HCM hay Nhà hát Bến Thành, mức giá ít nhất dao động từ 1 - 2 triệu đồng. Giá vé thấp cỡ 200.000 - 300.000 đồng thường ở rất xa, trên tầng lầu. Ở sân khấu nhỏ hơn như sân khấu Kim Ngân, giá vé trung bình cũng khoảng 500.000 đồng.

Nhỏ thì doanh thu thấp

img
Khán giả sẽ được tiếp cận nghệ sĩ ở khoảng cách rất gần với sân khấu mini

Trong bối cảnh khán giả không mặn mà đến với cải lương, thiếu vắng sân khấu và các đoàn cải lương xã hội hóa gặp khó khăn vì không đủ kinh phí thuê rạp biểu diễn, sân khấu nhỏ được coi là hướng đi thức thời trong thời điểm này.

Một trong những lý do cải lương ít khán giả mà giới chuyên môn chỉ ra, đó là giá vé quá cao (do tiền thuê rạp đắt, chi phí làm vở cao). Vậy nên, một sân khấu nhỏ sẽ làm giảm áp lực kinh tế cho các đoàn cải lương. Khi kinh phí tổ chức biểu diễn rẻ hơn, giá vé cũng “mềm” hơn.

Thế nhưng, rạp nhỏ, giá vé rẻ đồng nghĩa doanh thu thấp. Ví như sân khấu Sen Việt, nếu bán hết 100 vé thì doanh thu mỗi đêm chỉ vỏn vẹn 35 triệu đồng.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, sân khấu nhỏ đối mặt với thách thức là mọi chi tiêu đều trông chờ vào việc bán vé. Vậy, 35 triệu đồng chia cho chi phí dựng vở, điện nước, trả cát-sê cho nghệ sĩ… liệu có đủ? Nhất là khi cải lương phải có ngôi sao để có thể bán vé.

Nói về điều này, đạo diễn Lê Nguyên Đạt khẳng định, anh sẽ không làm nổi nếu không có sự hỗ trợ từ các nghệ sĩ. Bởi chi phí sản xuất một vở cải lương cho sân khấu nhỏ dù thấp hơn các vở thông thường nhưng khi làm chỉn chu vẫn tốn kém vì phải hòa âm phối khí, trang phục, diễn viên…

“Các nghệ sĩ đều đồng ý với niềm mong muốn làm điều tốt nhất cho cải lương. Họ lấy ở mức hỗ trợ chứ doanh thu vài chục triệu đồng/đêm, không đủ trả cát-sê cho ai hết”, anh tâm sự và cho rằng, bản thân mình không dám nói đây là cách chấn hưng cải lương mà chỉ là tìm con đường cho sân khấu của mình, cho các anh em làm nghề có “đất dụng võ” và đào tạo lớp trẻ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nghệ sĩ Kim Tử Long, các mô hình sân khấu nhỏ, thể nghiệm từng làm từ cách đây nhiều năm và điểm chung là đều thất bại.

Một là, thất bại về sự đầu tư chất xám của đạo diễn khi các vở không được đầu tư thực sự chỉn chu khi sân khấu quá nhỏ. Thứ hai, doanh thu không đáp ứng được cho chi phí đầu tư. Bản thân anh cũng như các nghệ sĩ lớn, ngôi sao sẵn sàng hỗ trợ sân khấu nhưng nếu đường dài, đây không phải cách hay bởi nghệ sĩ hỗ trợ được một vài suất chứ không thể đi theo mãi, bởi ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền.

Dễ thấy, trước sân khấu Sen Việt, sân khấu Kim Ngân (đổi tên từ sân khấu Lê Hoàng) trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng là sân khấu nhỏ nhưng lớn hơn với không gian gần 300 ghế. Để mời thêm các ngôi sao, giá vé tại đây dao động khoảng 500-700 nghìn đồng.

Trước đây, khi sân khấu này được “ông bầu” Lê Hoàng làm chủ, giá vé có nhiều ưu đãi với mức 200.000-300.000 đồng nhưng sau đó đã phải tan rã vì nhiều lý do.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.