Xã hội

Cùng Báo Giao thông san sẻ yêu thương nơi rốn lũ miền Trung

30/10/2020, 05:50

Đoàn cứu trợ của Báo Giao thông cùng các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã san sẻ khó khăn, giúp đỡ phần nào để bà con tạm vượt qua cơn bĩ cực.

img
Đại diện Báo Giao thông trao quà cho người dân 2 khối phố 1 và 2 thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Những ngày vừa qua, đồng bào miền Trung đã phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát do lũ lụt. Hàng nghìn đoàn cứu trợ từ khắp nơi đã về với bà con để san sẻ khó khăn, giúp đỡ phần nào để bà con tạm vượt qua cơn bĩ cực. Trong số đó, có các đoàn cứu trợ của Báo Giao thông cùng các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên cả nước.

Chia sẻ với người nghèo

Sau đợt cứu trợ tại 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Nam vào cuối tuần trước (với tổng số tiền mặt hơn 1 tỷ đồng và số hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá 600 triệu đồng), sáng 26/10, đoàn cứu trợ Báo Giao thông với sự đồng hành của Tập đoàn Mai Linh, Hiệp hội Taxi Hà Nội và nhiều nhà hảo tâm khác lên đường, hướng thẳng miền Trung.

Xuất phát từ Hà Nội, vượt qua chặng đường gần 400km, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là tổ dân phố 1, 2 của thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, nơi được coi là rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh, khi có thời điểm ngập sâu tới 3m. Cơn lũ dữ quét qua đã cuốn theo hầu hết tài sản, thóc lúa, lợn gà của người dân nơi đây.

Trong suốt hành trình trước đó, mặc dù đã có những thông tin cập nhật về mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra, song khi chứng kiến tận mắt những hình ảnh mà hậu quả cơn lũ để lại, chúng tôi mới thấy hết được sự kinh hoàng. Khắp nơi tan hoang, đổ nát, người dân ai cũng buồn rầu, lo lắng vì không biết rồi đây sẽ gượng dậy thế nào.

Tại đây, đoàn đã trao 250 phần quà cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mong muốn phần nào chia sẻ để giúp bà con bước đầu vượt qua khó khăn. Mỗi suất quà gửi tới tay người dân gồm 500.000 đồng tiền mặt, 5kg gạo, nước suối, sữa, một hộp viên sủi để lọc nước, khử khuẩn.

Sau một ngày dài, chúng tôi rời Cẩm Xuyên, tiếp tục hành trình đến thôn Đông 2, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, rồi đến xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, mỗi xã cách nhau cả chục cây số.

Tại thôn Đông 2, tuy không còn tận mắt chứng kiến cảnh ngập lụt nhưng nhìn lớp lớp bùn non đọng lại trên đường, trong sân nhà dân và khuôn viên nhà văn hóa xã, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được những gì mà người dân ở đây đã phải trải qua. Thêm 250 phần quà nữa được trao đến tay bà con vùng lũ, chúng tôi ai cũng như thấy phấn chấn hơn.

Cầm trên tay phần quà, cụ bà Lê Thị Đìa (90 tuổi, ở thôn Đông 2, xã Hiền Ninh) đã không cầm được nước mắt. Cụ xúc động nói: “Hoa màu, gia súc, gia cầm đã trôi theo lũ hết. Với chừng đây tiền, hai vợ chồng tôi cũng đủ tiền mua thức ăn hơn nửa tháng. Tôi chỉ biết cảm ơn đoàn rất nhiều!”.

Trong hành trình về với đồng bào miền Trung, chúng tôi cũng gặp nhiều đoàn thiện nguyện ngược xuôi. Có lẽ, họ cũng giống như chúng tôi, đều mong muốn góp phần nhỏ của mình để xoa dịu bớt nỗi đau mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu.

Tri ân liệt sĩ

Cũng trong hành trình về với miền Trung, đoàn đã tới thăm hỏi, động viên 11 gia đình thân nhân liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) và các liệt sĩ Sư đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, hy sinh khi làm nhiệm vụ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Xúc động, cảm phục và tiếc thương là cảm xúc của đa số thành viên đoàn khi được nghe, được thấy, được chứng kiến hoàn cảnh gia đình các liệt sỹ đã xả thân vì nhiệm vụ, phần lớn đều rất khó khăn. Đa số các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có người đang ở độ tuổi đôi mươi.

Đặc biệt trường hợp Trung sĩ Phạm Văn Thái (SN 2000), là con trai duy nhất trong gia đình; chị gái đầu bị bệnh trầm cảm đang được điều trị, chị gái thứ 2 đã lấy chồng; bố làm nghề đánh cá gần bờ, còn mẹ làm nghề phụ hồ... gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Trung sĩ Thái sẽ hoàn thành nghĩa vụ để về với gia đình. Trước lúc hy sinh, anh còn nhắn bố mẹ vay tiền lợp thêm mái tôn ngoài sân để che mưa, nắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhận tiền chế độ sẽ về trả.

Cảm động trước tấm lòng của người lính trẻ, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đã quyết định trao 20 triệu đồng tiền mặt, giúp gia đình Trung sĩ Thái thanh toán tiền lợp mái tôn.

Đó còn là trường hợp liệt sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An), Phó phòng Tác chiến Quân khu 4. Liệt sĩ Dũng mất đi để lại người vợ trẻ, cha mẹ già và cô con gái nhỏ.

Chị Lê Thị Bích Hằng, vợ liệt sĩ chia sẻ trong nước mắt, anh ấy vừa hoàn thành khóa học 2 năm tại Liên bang Nga, trở về từ tháng 8 vừa qua và nhận nhiệm vụ được 2 tháng nay. “Nhận được tin dữ, tôi không tin đó là sự thật, giờ tôi chỉ biết cố gắng gượng để làm chỗ dựa tinh thần cho con gái nhỏ”, chị Hằng chia sẻ.

Tiếp thêm động lực cho người lao động ngành GTVT

Trong số hàng trăm ngàn gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, có không ít gia đình cán bộ, công nhân viên ngành GTVT.

Đến ngày 29/10, nước lũ đã rút, lực lượng chức năng, chính quyền và người dân đang tích cực thu dọn nhà cửa, khắc phục hậu quả sau lũ để sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên ngành giao thông ở tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cục Quản lý đường bộ II vẫn đang “gác việc gia đình” để bám đường, thông tuyến, đảm bảo ATGT.

Đang nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình) để điều trị cánh tay bị gãy khi làm nhiệm vụ thông đường, anh Lê Đức Mạnh (54 tuổi), công nhân Công ty CP 483 vẫn thấy áy náy khi phải rời “mặt trận” trước anh chị em, công nhân của công ty. Trước đó, anh vẫn quyết không rời vị trí, dù biết căn nhà mình ở quê đã bị đất đá vùi lấp. May mắn, người thân của anh đã kịp đi sơ tán.

Đón nhận phần quà hỗ trợ của Báo Giao thông và các nhà tài trợ, anh Mạnh xúc động: “Ngay từ khi bước chân đi làm công nhân ngành GTVT, anh em chúng tôi đã chấp nhận khó khăn gian khổ và phải hi sinh công việc gia đình”.

Chung tay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung đã phải hứng chịu mưa lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân đang rất cơ cực.

Với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Báo Giao thông phát động chương trình “Chung tay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai tạm vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này.

Quý vị có thể đóng góp bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, lương thực, áo phao..., chúng tôi cam kết sẽ chuyển tới tận tay người dân đang rất cần trợ giúp.

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

BÁO GIAO THÔNG, Số tài khoản: 115000106087 Ngân hàng: Vietinbank - chi nhánh Hà Nội, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, hoặc VPĐD tại Miền Trung - Tây Nguyên, địa chỉ: 357 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng, liên hệ 0989886178 (Xuân Huy).

*Từ ngày 15 - 22/10, thông qua tài khoản của Báo Giao thông, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp hơn 7 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Báo Giao thông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.