Showbiz

Sân thi hoa hậu là nơi người nghiện mùi tiền, kẻ thèm mùi son phấn hội ngộ?

17/10/2020, 09:30

Nhiều cuộc thi nhan sắc còn được núp bóng dưới hình thức gala tôn vinh, trình diễn thời trang, tiệc tri ân… để dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý.

img
Cuộc thi có tên Thần tượng doanh nhân 2017 nhưng lại trao giải hoa hậu, á hậu

Thi nhan sắc "trá hình"

Có một thực tế là, rất nhiều cuộc thi nhan sắc cố tình núp bóng dưới dạng những chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tiệc tri ân, gala tôn vinh... để dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng trong khâu cấp phép. Có những cuộc thi chỉ âm thầm tiến hành vài hạng mục trong nước, còn lại mang ra nước ngoài thi. Và có những cuộc chẳng cần lách luật, cứ tổ chức, kể cả phải chịu phạt. Bởi tính ra, mức phạt chẳng là gì so với lợi ích mà những cá nhân, đơn vị thu được.

Còn nhớ, đầu năm 2020, Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao (VH-TT) thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra, lập biên bản, xử phạt ở mức cao nhất BTC cuộc thi Miss Global Her Beauty vì không được cấp phép. Năm 2019, cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam đã bị dừng tổ chức vào phút chót vì không cung cấp đủ giấy phép tổ chức cho cơ quan quản lý

Theo quy định, cuộc thi nhan sắc nếu diễn ra ở Việt Nam phải được cấp phép theo quy định tại Nghị định 79, Nghị định 15 về biểu diễn nghệ thuật và thi người đẹp người mẫu. Tuy nhiên, BTC Hoa hậu doanh nhân Việt - Hàn không hề có được giấy phép tổ chức thi nhan sắc. Lo ngại kết cục như “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”, BTC lách luật bằng cách đổi thành đêm biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, Hoa khôi duyên dáng Doanh nhân Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt Hoàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam,... cũng là những cuộc thi từng chịu kết cục tương tự.

Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn cho rằng, nếu thực trạng này ngày càng phổ biến, tinh vi hơn sẽ khiến các cuộc thi lớn nhỏ, uy tín hay ao làng sẽ bị đánh đồng, nhập nhằng về khoảng cách. Danh xưng hoa hậu trở nên rẻ rúng, khi nhà nhà thi hoa hậu, người người thành hoa hậu. Thậm chí có không ít người bỏ tiền ra để mua một danh hiệu ở một cuộc thi ao làng nào đó. Như thế sẽ rất thiệt thòi và làm ảnh hưởng đến các hoa hậu đăng quang ở cuộc thi chính thống, uy tín.

“Càng nhiều cuộc thi nhan sắc, danh hiệu hoa hậu càng bị bào mòn. Đây là lúc chúng ta cần quy hoạch lại, không nên để tình trạng một người đẹp đăng quang ở một cuộc thi ao làng, sau đó làm những điều trái đạo đức, trái pháp luật. Câu chuyện một hoa hậu người Việt tại nước ngoài được cho là nằm trong đường dây bán dâm nghìn USD vừa qua là một rủi ro cho thực trạng này. Từ đó, khiến nhiều người đẹp người có tài năng bắt đầu e dè khi đến với các cuộc thi nhan sắc, bao gồm cả cuộc thi có uy tín. Như vậy, rõ ràng danh hiệu hoa hậu đã mất đi vai trò mang đến vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ vốn có”, ông Phúc Nguyễn nói.

img
Hoa hậu Thế giới người Việt tại Úc Jolie Nguyễn

Không thể đánh tráo khái niệm

Nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm (Nguyên Phó trưởng Phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật Biểu diễn) khẳng định, sau tất cả những ồn ào này, BTC vẫn là người có lợi nhất, họ vẫn thu tiền khủng từ túi các nhà tài trợ, đại gia.

“Trong khi đó, các cuộc thi trí tuệ con người, trí tuệ Việt Nam như Đường lên đỉnh Olympia hay ý nghĩa nhân văn như Như chưa hề có cuộc chia ly lại chật vật vì “đói” tài trợ. Các cô hoa hậu đăng quang là quảng cáo nhãn hàng lộ liễu, khoe cuộc sống sang chảnh dù trước khi đăng quang chẳng khá giả gì. Nhiều người nói cuộc thi hoa hậu phải chăng để đại gia chọn vợ cũng chẳng sai. Tất cả chỉ là nơi người nghiện mùi tiền, kẻ thèm mùi son phấn hội ngộ”, nhà biên kịch Chu Thơm thẳng thắn.

NSND Lê Ngọc Cường thừa nhận, câu chuyện các cuộc thi nhan sắc bị đánh tráo khái niệm để lách luật đã tồn tại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn là bài toán khá đau đầu. Cục NTBD là cơ quan quản lý Nhà nước quản lý về việc này cũng khá đau đầu khi nghĩ kế sách để quản lý. Các nhà làm luật đã đưa ra nhiều quy định để kiểm soát nhưng tình trạng lách luật vẫn diễn ra.

“Song, điều đó không có nghĩa là cứ để đấy và không làm gì. Việc nới lỏng hay tạo điều kiện cho các cuộc thi nhan sắc là xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hoá, mở cửa kinh tế. Nhưng, bản sắc và giá trị văn hoá dân tộc càng được gìn giữ và tôn vinh. Vai trò của nhà quản lý cần phải làm sao để cân bằng hai yếu tố trên. Chẳng hạn, có một bộ quy chuẩn dành riêng cho các cuộc thi nhan sắc, gala tôn vinh, đại diện đi thi… một cách đầy đủ. Bộ quy chuẩn này sẽ nêu rõ những việc không được làm, ai không được tham dự, đơn vị như thế nào sẽ được tổ chức các cuộc thi nhan sắc… Tránh để những khái niệm bị đánh tráo và “đội lốt” tôn vinh nghệ thuật, tôn vinh cái đẹp”, NSND Lê Ngọc Cường bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.