Đường sắt

Sàng dầm thành công cầu Rồng Lớn, dự án đường sắt 7.000 tỷ khi nào xong?

07/05/2021, 17:40

Chiều nay (7/5), dự án đường sắt 7.000 tỷ thực hiện sàng dầm thành công cầu Rồng Lớn (Quảng Trị) trên tuyến đường sắt Thống nhất...

img

Cầu Rồng Lớn mới thuộc dự án cầu yếu, gói 7.000 tỷ đã được sàng dầm thành công, hoàn thành nối ray hai đầu cầu với đường chính tuyến sau 4 giờ phong tỏa đường sắt Bắc - Nam để thi công

Hoàn thành 13/15 cầu

Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, chiều nay (7/5) đã thực hiện thành công sàng dầm cầu Rồng Lớn Km641+700 trên tuyến đường sắt Thống nhất (thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sau hơn 4 tháng triển khai thi công.

Cầu Rồng Lớn có dầm dàn thép dài L=67,40m, là một trong các cầu dài, đặc điểm kĩ thuật, thi công phức tạp của gói thầu XL-CY-06 dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Dự án cầu yếu).

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án chia làm 11 gói thầu xây lắp và hiện cả 11 gói thầu đang triển khai đồng loạt ngoài hiện trường. Đến nay, đã hoàn thành thay dầm mới và trả đường để chạy tàu tốc độ khu gian được 29/111 cầu. Trong đó, 2 gói thầu XL-CY-01, XL-CY-02 đã hoàn thành thi công.

“Riêng gói thầu XL-CY-06 gồm 15 công trình cầu, tiến độ hợp đồng 24/7/2021 kết thúc. Tính đến nay đã hoàn thành 13/15 cầu. Dự kiến 2 cầu còn lại gồm cầu Rồng Nhỏ Km640+800 đến 15/6/2021 sẽ hoàn thành và cầu Thạch Hãn Km633+193 sẽ hoàn thành trước 20/7/2021. Như vậy, đến tháng 7/2021 sẽ hoàn thành được 3 gói thầu xây lắp của dự án cầu yếu”, đại diện chủ đầu tư thông tin.

img

Sau khi sàng dầm thành công, cầu Rồng Lớn mới đón chuyến tàu hàng đầu tiên qua cầu an toàn

Nỗ lực bám tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, XL-CY-01 là gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án 7.000 tỷ được khởi công ngày 15/5/2020 cũng là gói thầu đã “cán đích” đầu tiên vào tháng 3 vừa qua với sau gần 10 tháng thi công.

Trong quá trình triển khai, gói thầu này gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch tiến độ. Trong đó, dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 7/2020, nhất là ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, phải giãn cách xã hội gần 1 tháng nên không thể tập trung nhân lực thi công cũng như triển khai các công việc liên quan. Mặc dù vậy, nhà thầu vẫn đảm bảo công tác sản xuất trong nhà máy và thi công ngoài hiện trường. Ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, nhà thầu chủ động tăng ca, huy động thêm nhân lực để triển khai những công việc chưa thực hiện được.

Gói thầu XL-CY-01 thi công 6 cầu thuộc địa phận TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, bao gồm: cầu Km798+791, cầu Phong Lệ Km802+553, cầu La Thọ Km811+012, cầu Lở Km811+595, cầu Ông Ngọ Km812+168 và cầu Km Km823+985. Gói thầu do liên danh nhà thầu Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt và Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng thi công.

Cùng đó, gói thầu còn bị ảnh hưởng liên tiếp các trận bão, lũ lụt trong khu vực cuối năm 2020 khiến công tác triển khai thi công của nhà thầu bị đình trệ hơn 1 tháng. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị ứng phó và tính toán thời gian thi công hợp lý cho các công tác phần dưới cầu nên tiến độ thi công luôn được kiểm soát một cách an toàn và có thể triển khai thi công ngay sau khi bão tan, nước lũ rút.

Ngay khi bắt đầu khởi công, nhà thầu đã có sự chuẩn bị tốt từ công tác huy động nguồn tài chính, chủ động làm việc với các đối tác, nhà cung cấp để nhập toàn bộ vật tư vật liệu về nhà máy cho công tác sản xuất dầm thép; Đồng thời, huy động tập kết máy móc thiết bị chuyên dụng thi công đường sắt và nguồn nhân lực tiến hành thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng; huy động 6 mũi thi công đồng loạt ngoài hiện trường và 2 mũi sản xuất dầm trong nhà máy.

img

Trước đó, công tác chuẩn bị sàng dầm đã được chuẩn bị chu đáo, để ngay đi được cấp lệnh phong tỏa chạy tàu, các đơn vị tiến hành tháo cầu cũ, sàng dầm cầu Rồng Lớn mới vào vị trí cầu cũ, nối ray, trả đường, thông tuyến

Dù phải thi công trong điều kiện vẫn tổ chức chạy tàu, phải đảm bảo an toàn mọi mặt, từ an toàn chạy tàu, an toàn thi công, an toàn lao động… gói thầu XL-CY-01 đã hoàn thành toàn bộ đúng tiến độ được duyệt vào ngày 10/3/2021.

“Việc hoàn thành Gói thầu XL-CY-01 đúng tiến độ, trả tốc độ khu gian đã giúp ngành Đường sắt tổ chức chạy tàu, khai thác vận tải thuận lợi hơn qua các cầu này”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt nói.

Tuy nhiên, đại diện cũng cho biết, các gói thầu còn lại hiện đang gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển vật tư vật liệu do nhiều đoạn đường sắt nằm xa đường bộ, không có đường bộ tiếp cận vị trí thi công. Các dự án chạy dài trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và qua nhiều tỉnh, thành phố nên gặp nhiều khó khăn về thời tiết, khí hậu, địa chất.

Do vừa thi công, vừa chạy tàu nên nhiều vị trí thi công của các gói thầu bị chậm do chưa thể bố trí được điểm chạy chậm theo quy định của ngành Đường sắt.

“Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn tập trung, ưu tiên đối đa các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hạ tầng, khai thác chạy tàu đường sắt… để tháo gỡ khó khăn, bám tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt nói.

Dự án cầu yếu là một trong 4 dự án thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM. Thời hạn hoàn thành dự án cuối năm 2021.

Quy mô dự án này gồm xây dựng mới, đồng thời kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn đường hai đầu cầu của 111 cầu. Trong đó cầu có chiều dài <25m là 63 cầu, cầu có chiều dài 25m-100m là 47 cầu và 1 cầu có chiều dài 100m. Cùng đó, xây dựng trụ chống va xô 4 cầu và sửa chữa, nâng cấp 14 cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.