70 năm truyền thống ngành GTVT

Sáng giải phóng Thủ đô, chiều tàu hỏa đã lăn bánh

01/08/2014, 23:54

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết với tuyên bố: "Đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất...


Tuy nhiên, nhìn rõ dã tâm của địch âm mưu xâm chiếm lâu dài miền nam, Nhà nước Việt Nam DCCH đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là phải củng cố miền Bắc để chi viện cho miền Nam. Qua 80 ngày, kể từ ngày ký Hiệp định đình chiến, đến ngày chuyển giao Hà Nội, công nhân và nhân dân ta đã tiến hành 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân ngành Đường sắt.


Đêm 20/9/1954, hàng ngàn công nhân Sở Hoả xa và nhân dân quanh ga Hàng Cỏ đã đấu tranh không cho quân đội Pháp và bọn chủ chở máy móc, vật liệu xuống Hải Phòng để đem vào Nam. 


Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản ga Hàng Cỏ. Buổi chiều đã có ngay chuyến tàu đầu tiên mang cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chạy xuống Văn Điển đón bộ đội, cán bộ, nhân dân vào nội thành.


16h ngày 9/10/1954, khi lính Pháp cuối cùng rút khỏi nội thành Hà Nội, ta tiếp quản cầu Long Biên. Ngày 10/10/1954, đại quân ta vào nội thành, Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Chiều hôm đó, tàu hoả của ta chạy sang Gia Lâm, sau hai giờ khi quân Pháp rút khỏi vùng này, nhà máy xe lửa Gia Lâm được giải phóng.


Chính quyền Cách mạng tiếp quản đến đâu, tàu hoả hoạt động ngay đến đó. Hàng ngày đã có hai chuyến tàu Hà Nội - Văn Điển và ngược lại, một chuyến Hà Nội - Xuân Đào và ngược lại.


Ngày 30/10/1954, ta tiếp quản đường sắt đến Hải Dương. 15h hôm đó, tàu từ Hà Nội đã chạy đến ga Hải Dương trong niềm vui, chào đón của bộ đội và nhân dân. 


Hải Phòng là điểm sau cùng của đường sắt miền Bắc còn bị thực dân Pháp chiếm đóng, chúng sử dụng để di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ và cưỡng ép di cư. Từ cuối năm 1954 đến khi ta tiếp quản (13/5/1955), đã có 12 cuộc đấu tranh quan trọng của công nhân, nhân dân khu đường sắt Hải Phòng để bảo vệ máy móc, vật liệu, phương tiện. Về cơ sở vật chất, ở Hà Nội vẫn giữ được 1/3 số máy móc và dụng cụ (phần lớn là những máy móc khó mua) có thể đảm bảo việc sửa chữa đầu máy, toa xe ở mức vừa và nhỏ.


Tại Hà Nội có 13 đầu máy các loại và 15 toa xe khách, 89 toa xe hàng. Ở nhà máy xe lửa Gia Lâm có 10 đầu máy và 33 toa xe đang sửa chữa. Ở Hải Dương có một  đầu máy. Tổng số công nhân viên chức ngành Đường sắt ở Hà Nội và Gia Lâm lúc đó là  1.334 người, ở Hải Dương có 79 người.

Lê Ngọc
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.