Xã hội

Tổng Bí thư: Nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách của Đại hội XIII

26/01/2021, 07:50

Sáng 26/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả

Kết thúc phiên khai mạc, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

Thường trực Ban Bí thư đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định, trong đó có tình hình Biển Đông. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển của nước ta, biến đổi khí hậu, thiên tai gây thiệt hại nặng nề...

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung lãnh đạo Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Đại hội XII đề ra và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tập thể Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, lãnh đạo, triển khai Nghị quyết Đại hội XII với cách làm mới, toàn diện, hiệu quả hơn. Ban Chấp hành Trung ương đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực.

"Bài học kinh nghiệm rút ra là chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, trước hết là trong Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân", ông Trần Quốc Vượng cho hay.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và tạo sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, đã lập 36 đoàn kiểm tra do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn; đã kiểm tra 110 lượt tổ chức đảng, trong việc chấp hành điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xem xét thi hành kỷ luật với 10 tổ chức đảng, 52 cán bộ đảng viên vi phạm, trong đó có những cán bộ chủ chốt, nắm giữ chức vụ cao, sĩ quan cao cấp...

Trong nhiệm kỳ vừa qua đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị về công tác phòng chống tham nhũng; từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế, xã hội về lĩnh vực này.

Tổng Bí thư trình bày báo cáo về các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII

Ngay sau diễn văn khai mạc Đại hội Đảng XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang háo hức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội.

Nói về văn kiện trình Đại hội, theo Tổng Bí thư, quá trình chuẩn bị các văn kiện được thực hiện từ rất sớm, với 3 tiểu ban, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức gần 60 hội nghị, hội thảo, toạ đàm. Bộ Chính trị họp nhiều lần, cho ý kiến và hoàn thiện đề cương, đồng thời trình ra tại 4 Hội nghị trung ương. Các dự thảo được tiếp thu, sửa chữa nhiều lần, riêng báo cáo chính trị được sửa chữa khoảng 30 lần. Các dự thảo đã được công bố công khai lấy ý kiến toàn dân, với hàng triệu lượt đóng góp, được tổng hợp gửi về Trung ương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Dự thảo các văn kiện thực sự là sản phẩm kết tinh của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện rõ nhất ý Đảng lòng dân.

Về tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 5 năm qua chúng ta đã tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế đất nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ trước đã được giải quyết và đạt được kết quả bước đầu. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ… Nhiều vấn đề phức tạp được tạo ra và thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả còn thấp thì trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực.

Kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện được điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

"Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế và ngăn chặn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trước tình hình thế giới và khu vực có diễn biến nhanh chóng và phức tạp, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết Việt Nam đã tăng cường quốc phòng, xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

"Uy tín, vị thế của Đảng và Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế", ông nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ủy viên đoàn Thư ký Đại hội đọc thông báo về thư, điện chúc mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi đến Đại hội.

Đến ngày 22/1, Đại hội đã nhận được 215 điện mừng từ 105 đảng, 4 tổ chức trong khu vực và quốc tế; 76 tổ chức hữu nghị, 15 đoàn ngoại giao và 15 cá nhân từ 79 nước. Trong đó, có 5 điện mừng của đảng cộng sản cầm quyền và các đảng cầm quyền ở các nước láng giềng; 25 điện mừng từ các nước châu Á và châu Đại Dương; 33 điện mừng từ các nước châu u; 31 điện mừng từ các nước châu Mỹ; 11 điện mừng từ các nước Trung Đông, châu Phi; 76 điện mừng từ các tổ chức chính trị, hữu nghị, nhân dân…

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nhiệm vụ này phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi. Việc xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ cho nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc quan trọng của đất nước.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu đó, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quán triệt trong cả lý luận và hành động thực tiễn 5 quan điểm chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới trong giai đoạn tới. Theo đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.

Động lực, nguồn lực phát triển đất nước, chính là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Tập trung khơi đậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng XIII

Dự khai mạc Đại hội Đảng XIII có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cùng nhiều nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các tầng lớp nhân dân, đại sứ các nước, đại diện thế hệ trẻ...

Sau nghi thức chào cờ, Đoàn Chủ tịch gồm 16 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí lên làm việc.

Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng ta là đội tiền phong, mỗi đảng viên là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc Đại hội XIII

Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng 1.587 đại biểu, các đồng chí là đảng viên ưu tú tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh của hơn 5,1 triệu đảng viên tham dự Đại hội.

Đại hội thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập Đảng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đại hội tưởng nhớ các tiền bối, anh hùng giải phóng dân tộc Đại hội chào mừng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các vị đại sứ, đại biện, tổ chức quốc tế....

Đại hội trân trọng biểu dương sự phấn đấu, tinh thần của toàn Đảng, toàn dân cùng các phong trào thi đua yêu nước đã lập thành tích chào mừng Đại hội.

Đại hội Đảng XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Cán bộ, nhân dân mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết sách của Đại hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và khẳng định: Với quan điểm nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đồng thời, Đại hội kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII.

Đặc biệt, Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực cách mạng để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó.

Với phương châm: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội XIII thể hiện bản lĩnh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Với khát vọng mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn

Mở đầu phiên khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết: Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; đánh giá công tác xây dựng Đảng và kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trước khi Đại hội làm lễ chào cờ, Ban tổ chức Đại hội thông báo tại phiên trù bị sáng 25/1, Đại hội đã bầu Đoàn chủ tịch Đại hội gồm 17 thành viên, gồm các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải; và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

img

Sáng nay (26/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc trọng thể tại Hà Nội

Chính thức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sáng nay (26/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc trọng thể tại Hà Nội với phương châm ''Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Sáng tạo- Phát triển".

Tham dự Đại hội XIII có 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên cả nước. Đây là Đại hội có số đại biểu đông nhất trong các kỳ Đại hội Đảng.

Trong số đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...

Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu...

Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa định hướng tương lai, từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.

Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Chương trình của Đại hội cũng tập trung kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo chương trình, sau nghi thức khai mạc, Đại hội sẽ nghe trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Buổi chiều, Đại hội tiến hành làm việc tại Đoàn.

Trước đó, ngày 25/1, Đại hội đã họp phiên trù bị thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch gồm 17 đồng chí, Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

Mời độc giả đọc toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư tại đây.

Hơn 1.000 đại biểu có trình độ thạc sĩ trở lên

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của 1.587 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, có 1.067 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (chiếm 67,32%), 71 người là giáo sư, phó giáo sư (chiếm 4,47%).

Dự Đại hội có 222 đại biểu là nữ (chiếm 13,99%); 175 đại biểu là dân tộc thiểu số (chiếm 11,03%). Độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,2 tuổi, người cao tuổi nhất 77, người thấp tuổi nhất 34.

Trong số 1.587 đại biểu, 57 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 3,59%), 3 đại biểu trên 70 tuổi. Đại hội XIII có 1.381 đại biểu chính thức do đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương bầu và 191 đại biểu đương nhiên là các Ủy viên Trung ương khóa XII.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.