Hạ tầng

Sáng nay, khởi động dự án cầu Đại Ngãi

12/12/2015, 12:07

Cầu Đại Ngãi nối liền Trà Vinh và Sóc Trăng, ước mơ ngàn đời của người dân ĐBSCL đã được khởi động xây dựng.

uoc-mo-ngan-doi-cua-nguoi-dan-dbscl-sap-thanh-hien
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu bấm nút khởi động dự án

Sáng 12/12, tại xã Long Đức (huyện Long Phú, Sóc Trăng), Bộ GTVT đã phối hợp cùng Ban QLDA 7 đã tổ chức Lễ khởi động dự án cầu Đại Ngãi (trên Quốc lộ 60 nối liền tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng), cây cầu mơ ước ngàn đời của người dân ĐBSCL.

Dự án cầu Đại Ngãi gồm 2 hợp phần độc lập: hợp phần 1 đầu tư theo hình thức BOT (2.754 tỉ đồng) xây dựng phần cầu chính dây văng; hợp phần 2 đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (2.972 tỉ đồng) gồm toàn bộ phần cầu dẫn của cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2, đường dẫn vào cầu, các hạng mục còn lại của dự án và công tác giải phóng mặt bằng.

Cầu Đại Ngãi được xây dựng về phía hạ lưu bến phà hiện hữu và Trung tâm nhiệt điện Long Phú, cách phà hiện hữu khoảng 7,8Km; vượt qua luồng Định An (cầu Đại Ngãi 1), đi qua Cù Lao Dung, vượt qua luồng Trần Đề (cầu Đại Ngãi 2) và kết thúc tại điểm giao với tuyến Nam Sông Hậu.

Chiều dài toàn tuyến của dự án khoảng 15,2km, bao gồm: 2 cầu chính và 5 cầu trung và nhỏ và đường dẫn vào cầu. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24km; vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu từ kênh Quan Chánh Bố với độ tĩnh không thông thuyền 45m, chiều rộng thông thuyền tối thiểu 300m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km; vượt qua luồng Trần Đề, đảm bảo khổ thông thuyền tương ứng với sông cấp 1 (cho tàu 2.000 tấn).

Cầu Đại Ngãi 1, 2 có thiết kế 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m. Đường dẫn hai đầu cầu và các cầu trên tuyến có nền rộng 9m, mặt rộng 7m. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22 TCN 272-05, tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054:2005 và áp dụng một số tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến.

uoc-mo-ngan-doi-cua-nguoi-dan-dbscl-sap-thanh-hien
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại kễ khởi động

Phát biểu tại Lễ khởi động dự án, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói, cầu Đại Ngãi là dự án rất quan trọng đối với cả vùng ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, cùng với Quốc lộ 60 sẽ góp phần tăng cường năng lực khai thác và gỉảm áp lực cho Quốc lộ 1A, rút ngắn cự ly di chuyển từ TP HCM đi các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông vào khu vực là luôn cấp bách. Riêng tuyến hành lang ven biển trên QL60, trước đó Chính phủ cũng đã quan tâm đầu tư các cầu như: Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên. “Tôi biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và nỗ lực của tập thể Bộ GTVT, các cơ quan chuyên môn của Bộ trong công tác chuẩn bị và triển khai cũng như việc huy động vốn ngoài ngân sách cho dự án này. Đồng thời, biểu dương, đánh giá cao chính quyền, nhân dân hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và các bộ, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ cho việc triển khai dự án”, Phó thủ tướng đánh giá.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, các bộ ngành và chính quyền, nhân dân hai tỉnh tiếp tục thực hiện các bước còn lại để hoàn thành thủ tục đầu tư, tiến hành triển khai xây dựng dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.

uoc-mo-ngan-doi-cua-nguoi-dan-dbscl-sap-thanh-hien
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại lễ khởi động

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, dự án cầu Đại Ngãi được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư, dự kiến khởi công dự án trong quý I năm 2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quí IV năm 2018.

Sau khi dự án hoàn thành, tuyến QL60 được nối thông hoàn toàn và tạo thành tuyến trục dọc hành lang phía Đông cho khu vực ĐBSCL; rút ngắn cự ly từ TP. HCM đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km; giảm áp lực giao thông ngày càng lớn trên QL1A; đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi các khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, An Nghiệp… đi vào hoạt động; đồng thời làm tăng khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.

Ngoài ra, dự án còn góp phần làm tăng thêm tác dụng thiết thực của các dự án hạ tầng, công nghiệp, kinh tế quan trọng trong khu vực. Tổng hợp những tác động tích cực các dự án là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT- XH của vùng ĐBSCL, các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ, đặc biệt là hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

uoc-ngan-doi-cua-nguoi-dan-sap-thanh-hien-thuc2
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cam kết sẽ hỗ trợ dự án, đặc biệt là trong công tác GPMB

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: “Dự án được quan tâm đầu tư đã đáp ứng bao tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân. Nhằm hỗ trợ tối đa cho dự án sớm triển khai và đảm bảo tiến độ, tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh công tác GPMB giao cho chủ đầu tư”.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói: “Sóc Trăng là tỉnh thuần nông, vì vậy hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư sẽ giúp tỉnh lưu thông hàng hóa tốt hơn, thuyên giảm kinh phí vận chuyển, tăng giá trị hàng hóa. Dự án sẽ góp phần gỡ nút thắt giao thông trên QL60 và tuyến hành lang ven biển giúp phát triển KT-XH của toàn vùng”.

Đến tham dự buổi lễ, ông Huỳnh Văn Tốt (SN 1952, ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho biết, bà con ở đây quanh năm chỉ có trồng mía và nuôi bò. Hiện đường sá còn ngăn cách bởi những chuyến phà mất thời gian và chi phí. “Vì lý do này mà cứ mỗi mùa mía, thương lái hay ép, hay trừ chi phí vận chuyển lên giá thành khiến nhiều khi người dân phải chịu lỗ. Nghe tin nhà nước đầu tư xây cầu, bà con mừng muốn rơi nước mắt vì người dân đất Cù lao sẽ không còn bị cô lập bởi sông nước, niềm mơ ước ngàn đời của người dân nay đã thành hiện thực”, ông Tốt mừng rỡ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.