Quản lý

Sao cứ cố “đẩy” đường sắt ra khỏi nội đô?

06/11/2019, 06:24

Nhìn lại Việt Nam, có một nghịch lý là: Cứ thành phố nào phát triển lại muốn “đẩy” đường sắt qua khỏi nội đô...

img
Đường sắt hầu như qua trung tâm các đô thị, rất thuận lợi cho người dân

Cuối tháng 10 vừa qua, tại Diễn đàn liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12), khoảng 300 đại biểu, trong đó có khoàng 170 đại biểu là quan chức Chính phủ cao cấp 25 nước thành viên, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, tài chính, các nhà khoa học, doanh nghiệp… đã thống nhất đưa ra những giải pháp căn cơ thúc đẩy GTVT xanh, trong đó có giảm thiểu phương tiện cá nhân, phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu truyền thống gây phát thải carbon cao, ô nhiễm không khí.

Đồng thời, chuyển dịch thói quen dân cư sang sử dụng phương tiện công cộng thân thiện môi trường như xe buýt điện, đường sắt, đặc biệt khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp.

Đáng chú ý, một chuyên gia đến từ chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cho hay, kinh nghiệm quy hoạch và phát triển giao thông tại một đô thị “đất chật, người vô cùng đông” như Hong Kong, đường sắt là ưu tiên hàng đầu bởi ưu thế vận lượng lớn, an toàn, phát thải carbon thấp, đặc biệt kết nối tốt với các phương thức vận tải. Đây là loại hình giúp giảm ùn tắc giao thông trên đường do giảm dòng người di chuyển đông đúc bằng các phương tiện cá nhân, nhất là vào những giờ cao điểm.

Nhìn lại Việt Nam, có một nghịch lý là: Cứ thành phố nào phát triển lại muốn “đẩy” đường sắt qua khỏi nội đô với cái cớ “tắc đường”, trong khi chưa có được hệ thống giao thông công cộng đủ tốt, chưa có đường sắt đô thị, như Quy Nhơn, Nha Trang, Hải Phòng và cả Phú Thọ…

Một chuyên gia giao thông phân tích, hiện nay mạng lưới đường sắt quốc gia hầu như qua trung tâm các đô thị, rất thuận lợi cho người dân. Người dân từ các địa điềm khác nhau có thể di chuyển đến ga đường sắt với cự ly ngắn. Nhưng nếu di dời ga khỏi trung tâm thành phố trong khi chưa có phương tiện công cộng đáp ứng, sẽ dẫn đến thực trạng người dân phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc taxi, xe ôm ra ga với quãng đường xa hơn, nghĩa là nguy cơ tắc đường, mất an toàn cao hơn.“Đó là chưa kể, vì bất tiện, người dân sẽ bỏ tàu, đi xe khách. Việc này có nghĩa là sẽ đông hơn lượng xe khách trên đường, nguy cơ mất an toàn càng cao, lượng phát thải carbon cũng cao hơn. Các địa phương cần có cái nhìn tổng thể và quy hoạch các phương thức giao thông hướng tới bền vững, đảm bảo cả 3 mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, thay vì chỉ giải quyết tồn tại trước mắt hay chỉ vì lợi ích kinh tế”, chuyên gia này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.