Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có một ngày lễ quan trọng nhất trong năm: Lễ Giáng sinh của các nước theo đạo Thiên chúa, Diwali của người Ấn độ, Nepal và cộng đồng Ấn độ giáo, Pee Mai của người Lào... và ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam cùng một số nước châu Á khác.
Với mỗi dân tộc, ngày lễ đó ngoài ý nghĩa thiêng liêng tôn giáo còn có một ý nghĩa rất quan trọng nữa: đó là sự đoàn viên, sum họp gia đình.
Ngày Tết Nguyên Đán với người Việt Nam cũng vậy. Dù ở bất kỳ phương nào thì lòng mỗi người dân Việt đều hướng về quê hương, về quê cha đất tổ.
Hầu hết những người sinh sống ở xa đều cố gắng thu xếp trở về sum họp gia đình.
Việt Nam là một dân tộc yêu thích lễ hội. Thậm chí người Việt còn “nhập khẩu” các ngày lễ của các nước khác, các tôn giáo khác vào Việt Nam để ăn mừng, vui chơi (Giáng sinh, Lễ hội hoá trang, lễ Tạ ơn v.v...).
Vậy tại sao trong những năm gần đây, xu hướng sợ Tết, căng thẳng, ca thán khi Tết đến ngày càng tăng?
Phải chăng vì ý nghĩa của ngày Tết không còn thiêng liêng và trang trọng như trước nữa?
Chúng ta đang gây áp lực cho nhau và tạo áp lực cho chính mình khi Tết đến?
Từ việc hỏi thăm nhau: Năm nay ăn Tết có to không? quà biếu sếp, quà nội ngoại như thế nào? Mừng tuổi người già và trẻ nhỏ có “ra gì” không? Tết đi du lịch ở đâu? đến việc mua sắm quá thừa những thứ không cần thiết, thiết lập những kỳ vọng không thực tế... đều gây ra một áp lực lớn cho mỗi người, tạo ra “Hội chứng trầm cảm Tết”.
Nỗi trầm cảm càng lớn nếu năm đó thu nhập gia đình không được dư dả.
Chủ nghĩa tiêu thụ thúc đẩy mọi người mua, mua và mua nhiều hơn nữa. Điều này giúp cho nền kinh tế phát triển nhưng mặt trái của nó là tạo ra sự chi tiêu quá mức cần thiết, gây ra sự căng thẳng trong tâm lý không ít người.
Đấy là chưa nói đến nỗi sợ hãi khi mọi người đi chúc Tết nhau, mỗi nhà vài ly, chuốc rượu đến say xỉn rồi ra đường gây tai nạn...
Nếu như chúng ta giữ đúng hương vị Tết xưa, với những mâm cơm mang đậm tinh hoa của ẩm thực Việt nhưng không quá hình thức phô trương, không thừa thãi lãng phí, khi chúc Tết nhau uống vừa phải thì chắc hẳn sự căng thẳng của những ngày trước Tết sẽ giảm xuống, và ngày Tết sẽ trở về đúng giá trị của nó.
Nếu chúng ta không quá quan tâm đến mặt hình thức mà chú trọng vào ý nghĩa sum họp của Tết thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản và không khí chuẩn bị sẽ vui hơn rất nhiều.
Hãy rũ bỏ những áp lực phải “bằng chị, bằng em” và những quan niệm phô trương “Tết là phải thế” không còn phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận