Chuyện dọc đường

Sao lại từ chối quyền lợi?

01/03/2018, 07:06

Dù khung pháp lý rất đầy đủ, nhưng đến nay, tình trạng người đi đò không mặc áo phao vẫn diễn ra phổ biến.

2

Đò nào tại bến thuyền Tràng An (Ninh Bình) cũng có áo phao, nhưng du khách vẫn phớt lờ việc mặc áo phao - Ảnh: Hoàng Tùng

TNGT đường thủy không nhiều như đường bộ, nhưng đã xảy ra là thảm khốc, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau mỗi vụ TNGT đường thủy, mọi người thường hối tiếc “giá như có chiếc áo phao thì đã sống sót”, “giá như mặc áo phao đầy đủ thì hậu quả của tai nạn bớt thảm khốc hơn”.

Sáng 7/6/2015, một nhóm gia đình rủ nhau đi du lịch ở lòng hồ Trị An và một thuyền gặp nạn. Trên chiếc thuyền gặp nạn, người lớn mặc áo phao và sống sót, còn ba cháu bé chết đuối vì cha mẹ không mặc áo phao cho con.

Tối 4/6/2016, tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn (Đà Nẵng), 53 người được cứu thoát, còn lại ba người vĩnh viễn nằm lại dưới hồ. Chiếc tàu chìm chỉ được phép chở 28 người, lại chưa làm hồ sơ cấp phép hoạt động và chưa được phép chở khách du lịch. Trên tàu, chỉ có vài ba cái áo phao và mọi người cũng không mặc. Nếu áo phao đầy đủ và mọi người có ý thức mặc áo phao thì tai nạn đã bớt thảm khốc hơn.

Hiện, cả nước có gần 3.000 bến khách ngang sông đang hoạt động, mỗi năm tham gia vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách. Để đảm bảo an toàn cho hành khách khi tham gia giao thông trên đường thủy, từ lâu các cơ quan chức năng đã ban hành quy định phải mặc áo phao. Thông tư số 15/2012 của Bộ GTVT quy định, từ ngày 15/7/2012, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn. Từ ngày 1/7/2016, Nghị định 132 của Chính phủ quy định cụ thể mức xử phạt lái đò, chủ đò, hành khách không mặc áo phao như một nỗ lực bảo vệ người tham gia giao thông, kéo giảm thiệt hại do TNGT đường thủy.

Dù khung pháp lý đã rất đầy đủ, nhưng đến nay, tình trạng người đi đò không mặc áo phao vẫn diễn ra phổ biến. Hành khách than phiền áo phao có thể làm bẩn, xấu trang phục họ đang mặc. Chủ đò, lái đò coi “khách hàng là thượng đế, mình không nên áp đặt, làm phiền”. Còn cơ quan chức năng cho rằng khó xử lý, nhất là đối với các cá nhân hành khách vì nếu khách không nộp phạt thì cũng chẳng thể giữ giấy tờ, phương tiện như trên đường bộ…

Quy định mặc áo phao khi tham gia giao thông trên sông nước là một quy định nhân văn, thiết thực nhằm bảo vệ sinh mạng của người dân. Do đó, mỗi hành khách đừng thờ ơ với mạng sống của mình, cần tự giác mặc áo phao như một thứ quyền lợi mình được hưởng để bảo vệ tính mạng của bản thân. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cần thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm để tạo sự đồng thuận của cả cộng đồng trong việc đưa quy định này vào cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.