Chuyện dọc đường

Sao phải chạy đua thi giấy phép lái xe?

01/03/2020, 21:29

Học thật, thi thật và chỉ có lợi cho bản thân thì sao nhiều người lại phải “né”, kể cả quy định mới có khắt khe như thế nào đi nữa.

img
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe...

Những ngày qua, lo ngại việc học và thi giấy phép lái xe thời gian tới chặt chẽ hơn, nhiều người đổ xô đi học để “né” quy định mới, bất chấp mức học phí tăng cao hơn trước.

Trước nhu cầu tăng đột biến, không ít trung tâm đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã phải thông báo hết khóa học trong tháng 3, học viên có nhu cầu thì phải sang tháng 4 mới có thể đăng ký để đến tháng 7 sẽ thi.

Tôi có một người bạn làm báo tại Kon Tum, thời gian qua anh liên tục nhận được điện thoại “nhờ vả” liên hệ với các trung tâm đào tạo ở địa phương để được nộp hồ sơ xin học gấp. Dẫu có mối quan hệ quen biết từ trước, song gọi đến đâu anh cũng nhận được lời khước từ, bởi tất cả đều đã quá tải.

Không chỉ ở Kon Tum mà tôi được biết, ở nhiều địa phương khác cũng vậy. Thậm chí, có lãnh đạo một trung tâm đã tiết lộ: có người đến mang theo 4 - 5 bộ hồ sơ đăng ký học cho vợ, con, anh em. Đặc biệt có người mang đến nộp 10 bộ hồ sơ, nộp luôn cho cả đồng nghiệp, bạn bè (?!)

Thực trạng trên xuất phát từ việc Thông tư 38/2019 thay thế Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/12/2019) quy định, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ôtô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp. Với thực hành lái xe, ô tô tập lái sẽ phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường...

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe...

Tựu chung, khoa học công nghệ sẽ được ứng dụng để giám sát chặt chẽ hơn, khiến việc học và thi sẽ phải thực chất hơn, nhất là số km thực hành trên đường, khắc phục tình trạng giáo viên và học viên “móc ngoặc” bớt chương trình đào tạo...

Gạt câu chuyện học phí tăng sang một bên (điều mà cơ quan quản lý chắc chắn sẽ can thiệp nếu có sự bất hợp lý), việc nhiều người đổ xô đi học thi giấy phép lái xe phần nào cho thấy họ chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề.

Bởi với những quy định mới trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, người học sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng tốt nhất dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Học thật, thi thật và chỉ có lợi cho bản thân thì sao nhiều người lại phải “né”? Kể cả quy định có khắt khe hơn, nhưng nếu như sự khắt khe ấy giúp họ vững vàng, tự tin hơn sau tay lái, hạn chế được những tình huống rủi ro có thể xảy đến bất cứ khi nào trên đường, đáng ra họ phải sẵn sàng đón nhận mới phải?

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết quy định của pháp luật về giao thông. Thậm chí trong đó có không ít người "học giả, bằng thật".

Và mỗi khi hậu quả xảy ra, không chỉ riêng bản thân họ phải gánh chịu, mà còn là người thân, gia đình họ và cả cộng đồng nữa.

Và mỗi khi hậu quả xảy ra, nhiều người vẫn thường nhắc tới câu “giá như...”, khi mọi chuyện đã rồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.