Đường sắt

Sập cầu Ghềnh: Ngành đường sắt hết mình với “thượng đế”

22/03/2016, 12:12

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CPVT Đường sắt Sài Gòn khẳng định qua sự cố sập cầu Ghềnh.

Nhân viên đường sắt hướng dẫn du khách nước ngoài
Nhân viên đường sắt hướng dẫn du khách nước ngoài lên xe trung chuyển sau sự cố sập cầu Ghềnh

Mong hành khách chia sẻ

Trưa 22/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tuấn cho biết mấy ngày qua anh em trong ngành làm việc hết công suất để phục vụ hành khách, sau sự cố sập cầu Ghềnh.

“Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo giao thông, không để ách tắc trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đây là sự cố ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để phục vụ tốt nhất trong điều kiện cho phép. Rất mong hành khách tiếp tục ủng hộ và chia sẻ với ngành đường sắt…”, ông Tuấn nói.

Theo lời ông Tuấn, mỗi ngày có hàng nghìn hành khách và lượng rất lớn hàng hóa phải vận chuyển từ Sài Gòn đến Biên Hòa và ngược lại. Được sự hỗ trợ tận tình của Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, công ty đã cố gắng điều động đủ số lượng ô tô để thực hiện tốt khâu trung chuyển. Tổng công ty đã chỉ đạo các chi nhánh vận tải và toàn thể CB- NV phục vụ hành khách tận tình hơn bao giờ hết. Phải xem đây là một trách nhiệm để phục vụ “thượng đế” của mình.

“Bằng sự nhiệt tình của chúng tôi và sự thấu hiểu của hành khách, tính đến 11g trưa 22/3, lượng người đến trả lại vé tại ga Sài Gòn giảm rất nhiều”, ông Tuấn khẳng định.

ong tuan 1
Ông Đào Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn

Trễ giờ sẽ phục vụ ăn uống

“Trên xe trung chuyển có khăn lạnh, nước uống miễn phí cho hành khách. Trong những ngày đầu, nếu tàu đến trễ, chúng tôi đều phục vụ suất ăn miễn phí cho hành khách. Khi đến ga, khách được hướng dẫn, được mang vác hành lý miễn phí lên các xe trung chuyển. Chúng tôi cố gắng phục vụ tốt, để lại ấn tượng đẹp trong lòng hành khách”, ông Tuấn chia sẻ.

Để giải phóng hàng hóa ùn ứ, ông Tuấn cho biết, đã bố trí lực lượng xếp dỡ tại các ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh để chuyển hàng lên tàu. Riêng tại ga Sài Gòn, đã giải phóng xong khoảng 200 toa hàng bị ùn ứ. 

Ông Tuấn cho rằng do sự cố xảy ra đột ngột, việc điều động lực lượng, phương tiện cũng có nhiều khó khăn. Đôi khi, việc phục vụ hành khách cũng chưa được như ý. Chẳng hạn, có khi số lượng ghế giường nằm trên xe trung chuyển ít hơn số ghế giường nằm trên tàu, một số khách nước ngoài phàn nàn vì phải ngồi. Nhưng khi nhân viên phục vụ giải thích, họ cũng thông cảm.

Nhan viên đường sắt khuân valy của khách nước ngoà
Sau vụ sập cầu Ghềnh, ngành đường sắt bố trí xe chuyển khách miễn phí, nhân viên tận tình mang vác hành lý giúp hành khách

Lập tàu từ Ga Sài Gòn đến Sóng Thần

Cũng theo ông Tuấn, bắt đầu từ 23/3, ga Sài Gòn sẽ tổ chức trung chuyển hành khách có vé bằng cách tổ chức đoàn tàu đường ngắn. Những đoàn tàu này sẽ chở hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Sóng Thần và ngược lại. Đoạn từ Sóng Thần đến Biên Hòa và ngược lại sẽ dùng ô tô chất lượng cao. Cách làm này sẽ đỡ phiền phức hơn cho hành khách và cũng không gây thêm áp lực cho giao thông TP.HCM như phương án dùng xe buýt chở khách từ Ga Sài Gòn ra Ga Biên Hòa như hiện nay. Tại ga Sóng Thần, cơ sở vật chất và xe ô tô đã được chuẩn bị đầy đủ.

Để tránh xảy ra tình trạng quá tải trên tuyến Bắc- Nam, Tổng công ty đã đề nghị ngành Đường sắt điều động thêm lượng toa xe và đầu máy từ Hà Nội vào Ga Biên Hòa hỗ trợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.