Quản lý

Sắp chấm dứt sát hạch thuyền viên kiểu thủ công

21/02/2019, 06:35

Dự kiến từ quý II/2019 sẽ chấm dứt thi sát hạch thuyền trưởng, máy trưởng kiểu thủ công trên toàn quốc để nâng chất lượng đào tạo...

img
Một thuyền trưởng điều khiển phương tiện thủy chở hàng trên sông Hồng

Thi thí điểm kiểu mới, trượt nhiều hơn đỗ

Hơn 200 học viên học lớp thuyền trưởng, máy trưởng tại trường Cao đẳng GTVT đường thủy II tại khu vực Cần Thơ vừa trải qua thi sát hạch bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính và thi thực hành trên phương tiện có gắn thiết bị giám sát, chấm điểm tự động bằng phần mềm tin học. Đây là lần đầu tiên Cục ĐTNĐ Việt Nam thí điểm tổ chức thi theo mô hình tương tự thi lấy GPLX ô tô hiện nay.

Ông Bùi Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT đường thủy II cho biết, trước hôm thi chính thức 5 ngày, học viên được hướng dẫn ôn tập, làm quen với cách làm bài thi trên máy tính. Hầu hết, học viên nhanh chóng làm quen, sử dụng thành thạo máy tính để làm bài thi. Tuy nhiên, bất ngờ là kết quả thi đạt thấp hơn nhiều so với làm bài thi trên giấy như trước đó.

“Tổng số có 216 thí sinh thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 2 - 3 và tỷ lệ đạt trong lần thi trắc nghiệm đầu tiên chỉ hơn 39%”, ông Thiện nói.

Cụ thể hơn, ông Thiện cho biết, trong mỗi hạng bằng, có 14% số thí sinh thi thuyền viên hạng 3 chỉ đạt hơn 14%, thuyền máy hạng 2 đạt hơn 31%, máy trưởng hạng 2 đạt hơn 66% và máy trưởng hạng 3 chỉ đạt hơn 67%.

Bất ngờ không kém, sau khi thi lý thuyết trên máy tính bị trượt, 131 thí sinh được thi lại theo hình thức ghi giấy thì có tới hơn 98% đã vượt qua. Kết quả chung cả thi thực hành và lý thuyết là gần 98% thí sinh đạt yêu cầu, được cấp giấy chứng nhận bằng thuyền trưởng, máy trưởng.

Hiệu trưởng Bùi Đình Thiện lý giải, đây là lần thi thử nghiệm đầu tiên trên máy tính, trong khi người học ít có thời gian học và chuẩn bị. Đáng chú ý hơn, ngân hàng câu hỏi có tới 400 câu đối với ngành thuyền trưởng, được máy tính sắp xếp ngẫu nhiên nên cấu trúc các đề thi đa dạng hơn, cũng như mức độ khó hơn so với ngành máy trưởng chỉ 140 câu hỏi.

“Tuy số lượng ngân hàng câu hỏi nhiều và mức độ khó hơn so với thi trên giấy nhưng phản ánh thực tế là chỉ người “học thật” mới có thể đạt được kết quả tốt”, ông Thiện nói.

Chấp dứt thủ công, bớt xin - cho

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo, thi, cấp bằng thuyền viên phương tiện thủy để giảm sự can thiệp, tác động của con người vào công tác sát hạch, tạo sự công bằng và góp phần nâng chất lượng thuyền viên.

“Đợt thí điểm trên nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị cho phép áp dụng thống nhất toàn quốc thi theo hình thức trên từ quý II/2019”, ông Giang cho biết.

Liên quan việc đánh giá sau đợt thí điểm, lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên cho biết, đang xây dựng, đề xuất ban hành quy định chính thức về tổ chức thi lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng bằng hình thức thi trực tuyến.

“Hiện, nội dung thi lấy giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng gồm 3 phần là trắc nghiệm, vấn đáp và thực hành. Tới đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ rà soát, tổ chức lại ngân hàng câu hỏi để chỉnh và đề xuất sửa đổi quy định theo hướng rút gọn còn hai phần là trắc nghiệm, thực hành và áp dụng giám sát, chấm thi hoàn toàn bằng thiết bị công nghệ tự động như đối với GPLX ô tô hiện nay”, vị này cho biết.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, việc chuyển đổi từ hình thức thi thủ công, thi trắc nghiệm lý thuyết trên giấy sang thi trên máy tính, tự động chấm điểm và giám sát từ xa là phù hợp với đòi hỏi thực tế.

“Đào tạo, sát hạch để cấp bằng thuyền viên đường thủy theo phương thức thủ công lâu nay đã bộc lộ những kẽ hở, có thể tạo ra chuyện xin - cho, mua bán chứng chỉ nghề. Nơi nào đào tạo nghiêm túc, tổ chức thi cử nghiêm túc sẽ ít người học và ngược lại. Việc áp dụng thi, giám sát thi tự động toàn quốc sẽ tạo được nguyên tắc thi cử rõ ràng, minh bạch nên chắc chắn người học, cơ sở đào tạo phải nghiêm túc hơn”, ông Trần Đỗ Liêm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.