Vận tải

Sắp có phà biển, Vũng Tàu đi Cần Giờ chỉ mất 30 phút thay vì 5 tiếng

22/02/2020, 09:42

TP HCM sẽ triển khai nhiều dự án vận tải đường sông để giảm áp lực cho đường bộ hiện đang quá tải.

img
Tháng 4/2020, TP HCM sẽ khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu

Năm 2020, TP HCM sẽ triển khai nhiều dự án vận tải đường sông. Điều này không chỉ phục vụ cho du lịch mà góp phần phát triển giao thông thủy, giảm áp lực cho đường bộ hiện đang quá tải.

Mở mới 2 tuyến đường thủy ngay trong tháng 4

Những ngày này, các đơn vị chức năng huyện Cần Giờ đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn tại khu vực bến phà Cần Giờ để chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy từ Cần Giờ đi Vũng Tàu. Dự kiến tuyến đường thuỷ có cự ly 15km này sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 4 tới.

Điểm khác là phà này có thể chở cả ô tô. Người dân thành phố có thể lái xe xuống Cần Giờ chơi, sau đó đưa xe lên phà để qua Vũng Tàu chỉ mất 30 phút thay vì phải chạy ngược lại bằng đường bộ mất ít nhất 5 tiếng. Mỗi chuyến phà có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô/xe tải.

Trước đây, người dân và du khách đi từ TP Vũng Tàu đến Cần Giờ bằng ôtô phải mất khoảng 5 tiếng thì nay chỉ mất khoảng 30 phút qua phà biển Cần Giờ.

Trong khi đó, người dân từ các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang muốn ra Vũng Tàu có thể đến huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc (thời gian khoảng 30 phút), đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất. Sau đó, tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến TP Vũng Tàu.

Tổng thời gian hành trình từ Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu cũng chỉ khoảng 2 giờ 30 phút (kể cả thời gian chờ phà), rút ngắn hơn 2 giờ so với đi bằng đường bộ (qua tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây).

Lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết rất ủng hộ dự án này. Hiện bến Tắc Xuất đã có sẵn, chỉ cần sửa sang lối đi để cho ô tô đi xuống phà thuận tiện là có thể đưa vào khai thác.

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP HCM) cho biết, một tuyến quan trọng khác cũng sẽ được khai trương vào tháng 4 tới là từ Bạch Đằng đi Củ Chi. Sau khi cầu Bình Lợi nâng tĩnh không lên 7m, Công ty GreenlinesDP sẽ khai trương tuyến tàu từ Bạch Đằng (TP HCM) đi Bến Đình (tỉnh Bình Dương) và lên Bến Dược (huyện Củ Chi).

Theo ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc GreenlinesDP, tuyến này vừa phục vụ du lịch lên địa đạo Củ Chi, vừa là tuyến giao thông thủy phục vụ người dân đi lại. “Tàu thuyền, bến cảng đã chuẩn bị xong, chỉ chờ cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ để tĩnh không được nâng lên 7m là có thể chạy”, ông Hải nói.

Ông Hà Thanh Sơn cho biết thêm, trong giai đoạn năm 2020 - 2022, Sở sẽ triển khai một số tuyến du lịch đường thủy cự ly ngắn. Cụ thể, từ bến Bạch Đằng sẽ phát triển các tuyến đi quận 7, Nhà Bè. Tuyến này sẽ đi bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn qua kênh Tẻ rạch ông Lớn đến rạch Đỉa và cập bến Ngôi Sao Việt ở Phú Mỹ Hưng, quận 7. Hoặc tàu cũng có thể cập bến Cù Lao Xanh ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Các bến này đã được Sở cấp phép hoạt động, nhà đầu tư cũng đã xây dựng cảng bến đồng bộ. Một số doanh nghiệp vận tải thủy đang rất quan tâm đến các dự án này.

Sở GTVT cũng đang nghiên cứu tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm Bến Lức (cự ly là 16km) để phục vụ vận tải khách du lịch nội thành qua các khu dân cư hai bên tuyến và điểm cuối dự kiến là chợ đầu mối Bình Điền.

Cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng tĩnh không cầu

Đầu tư cho đường thủy chỉ bằng 5,4% so với đường bộ
Năm 2019, sản lượng vận tải hành khách bằng đường thủy tại TP HCM đạt 36,43 triệu lượt hành khách, chỉ tăng 1,1% so với năm 2018. Lý giải về sự tăng trưởng rất ít này, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP HCM) cho biết, chi phí đầu tư cho đường thủy rất thấp. Đầu tư cho đường thủy chỉ chiếm 5,4% so với đường bộ. Điều này khiến hệ thống hạ tầng của đường thủy còn nhiều bất cập, chưa khai thác được các thế mạnh về mạng lưới để phát triển.


Ông Phạm Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, thành phố có hơn 1.000km tuyến sông, kênh, rạch là lợi thế để tiếp tục phát triển loại hình này. Nhưng trên nhiều tuyến có nhiều cầu tĩnh không thấp, đã hạn chế giao thông thủy. Chẳng hạn trên tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức có cầu Rạch Dơi; cầu Giồng Ông Tố trên sông Rạch Chiếc… Đây là những tuyến giao thông thủy huyết mạch nhưng lại đang bị “tắc” bởi các cầu. “Sở đang từng bước tháo gỡ những bất cập này”, ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư hai tuyến tàu buýt sông hiện nay cho biết, tuyến đường thủy từ Bạch Đằng đi Thủ Đức hiện nay ngoài chở người dân đi làm, còn chở một lượng rất lớn du khách tham quan, thưởng ngoạn cảnh sông nước. Dịp Tết vừa qua lượng khách đi buýt sông tăng 20%, nhiều hôm không có vé để bán.

Điều mà ông Toản trăn trở là việc đầu tư hạ tầng cho đường thủy chưa được tương xứng. Tại các khu vực cảng bến, hiện nay vẫn do nhà nước quản lý nên không được đầu tư bài bản, đồng bộ, dẫn đến nhếch nhác, khiến nhiều khách không hài lòng khi lên những bến này.

Thừa nhận tình trạng này, ông Phạm Công Bằng cho rằng, chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng để phát triển giao thông thủy. Đơn cử như chưa có cơ chế giao đất trong phạm vi hành lang trên bờ sông, kênh, rạch để nhà đầu tư yên tâm xây dựng cảng, bến, dịch vụ phục vụ cho du lịch. “Sở sẽ tiếp tục kiến nghị để thành phố có những thay đổi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, thành phố có lợi thế hệ thống kênh rạch. Nhưng việc đầu tư hạ tầng cũng rất tốn kém, khó thu hút đầu tư của doanh nghiệp mà chủ yếu sử dụng ngân sách. Do vậy, thành phố nên cân nhắc đầu tư những tuyến trọng điểm trước để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần chú trọng phát triển hàng hóa bằng đường sông, cần có những cơ chế, hình thức chế tài để các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa container từ đường bộ sang đường thủy. Điều này vừa giảm ùn tắc vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác lưu thông trên đường bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.