Quản lý

Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 diễn ra tại Hà Nội từ 14-15/11

08/11/2019, 15:34

Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 (ATM 25) do Bộ GTVT tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 14-15/11/2019.

img
Hội nghị ATM 25 tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với đối tác, trong đó có tạo thuận lợi vận tải liên vận bằng đường bộ. Ảnh: Cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đóng vai trò quan trọng trên hành lang vận tải hàng hóa liên vận bằng đường bộ

Bộ GTVT cho biết, trong 2 ngày 14-15/11/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 (ATM 25) và Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN với các đối tác (ATM + Đối tác).

Trước đó, trong các ngày từ 11-13/11/2019 sẽ diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao GTVT ASEAN lần thứ 48 (STOM 48) và Hội nghị quan chức cấp cao Giao thông vận tải ASEAN với các đối tác (STOM + Đối tác). Sẽ có khoảng 200 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội nghị STOM 48 và 250 tham dự Hội nghị ATM 25.

Hội nghị ATM 25, Hội nghị ATM + đối tác và Hội nghị STOM 48, Hội nghị STOM + đối tác là các hội nghị quốc tế trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, được tổ chức theo cơ chế luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị ATM 25 và Hội nghị ATM + đối tác là hội nghị cấp Bộ trưởng; Hội nghị STOM 48 và Hội nghị STOM + đối tác là hội nghị cấp Vụ trưởng. Việt Nam đăng cai tổ chức các hội nghị này trong năm 2019, trong đó, Bộ GTVT giữ vai trò chủ trì tổ chức.

Mục đích của Hội nghị ATM 25, ATM + đối tác là để thực hiện xây dựng mạng lưới giao thông vận tải kết nối, hiệu quả, hội nhập, an toàn và bền vững khu vực ASEAN, qua đó góp phần hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao vào năm 2020.

Các nội dung chính của Hội nghị ATM bao gồm: Ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ; Nghe báo cáo tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án; Thông qua chương trình hành động cho năm tiếp theo; Thảo luận, giải quyết các khó khăn cần xin ý kiến cấp Bộ trưởng của các trưởng STOM; Trao đổi, thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải với các nước đối tác đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết quả Hội nghị ATM sẽ được Ban Thư ký ASEAN tổng hợp và báo cáo lên cấp Chính phủ tại các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

img
Việt Nam đang triển khai dự án đầu tư đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. Tuyến đường được kỳ vọng tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia.

Trong khi đó, mục đích của Hội nghị STOM 48, STOM + đối tác là điều phối hoạt động của các nhóm công tác chuyên ngành; Hỗ trợ, giải quyết các khó khăn ở cấp kỹ thuật và đảm bảo việc triển khai chỉ đạo của Hội nghị Bộ trưởng đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

Các nội dung chính của Hội nghị STOM gồm: Nghe các nhóm công tác chuyên ngành (hàng hải, hàng không, vận tải mặt đất và tạo thuận lợi vận tải) báo cáo tình hình triển khai cụ thể các chương trình, dự án và kế hoạch trong thời gian tiếp theo; Trao đổi, thông qua kế hoạch của các nhóm công tác chuyên ngành; Thảo luận, giải quyết các khó khăn ở cấp điều phối chuyên ngành; Đàm phán với cấp điều phối của các nước đối tác đối thoại trong việc xây dựng các thỏa thuận hợp tác ASEAN + đối tác, làm cơ sở trình lên cấp Bộ trưởng; Thông qua các đề xuất sẽ báo cáo lên cấp Bộ trưởng.

Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính như: Hoàn thành các thủ tục để ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ nhằm tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025 (Kế hoạch Chiến lược phát triển GTVT ASEAN) trong các lĩnh vực: vận tải hàng không, vận tải hàng hải, vận tải mặt đất, tạo thuận lợi vận tải.

Tại hội nghị cũng sẽ thông qua các dự án/kế hoạch/chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN trong năm 2020. Đồng thời, trao đổi, thúc đẩy hợp tác GTVT với các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác (EU, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) trong các lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.