Thời sự

Sập hầm thủy điện: Chủ đầu tư xin lỗi vì sự cố bất khả kháng

22/12/2014, 15:09

15h chiều nay (22/12), nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng tại Tỉnh ủy Lâm Đồng.

toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo

Bài học kinh nghiệm sau sự cố chưa từng có

Mở đầu buổi họp báo, đại diện Sở LĐ - TB- XH báo cáo kết quả công tác ứng cứu vụ sập hầm. Theo đó, vụ sập hầm xảy ra lúc 7h20 ngày 16/12, tại đường hầm dẫn nước vào công trình thủy điện Đạ Dâng thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Vị trí đoạn hầm bị sập cách cửa nhận nước khoảng 500m, đoạn bị sập dài 35m, (tổng chiều dài đường hầm là 720m), đã thi công từ cửa vào thượng lưu được khoảng 600m và từ hạ lưu lên 30m phía cửa ra.

Ngay sau khi nhận được tin báo sập hầm, các lực lượng của tỉnh đã huy động lực lượng để đến hiện trường ứng cứu. Lực lượng cứu hộ đã làm việc 24/24h để cứu 12 nạn nhân ra một cách nhanh nhất.

Sau 2 mũi khoan thẳng từ vị trí sập vào bên trong bị thất bại, đến 19h30 ngày 16/12, mũi khoan thứ 3 đã thông vị trí hầm bị sập và đưa được ống sắt D60mm vào bên trong hầm. Qua đường ống này, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với 12 nạn nhân bên trong và tiếp tế cháo, nước uống, đèn sáng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì cuộc họp
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì cuộc họp báo.

Các lực lượng đã tiến hành khoan nhiều mũi để tiếp cận bên trong.

Đến ngày 19/12, lực lượng chức năng đã tiến hành đào 2 nhánh hầm phía hai bên. Việc đào được thực hiện 24/24. Tổng số đã huy động 750 người thực hiện ứng cứu.

Đến 16h30 ngày 19/12, đường hầm bên trái đã tiếp cận được vị trí các nạn nhân. Các lực lượng cứu hộ đã được 12 nạn nhân ra khỏi bên ngoài sớm hơn dự kiến và đưa đến bệnh viện sơ cứu.

Ông Phan Công Ngôn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB TKCN Lâm Đồng báo cáo quá trình cứu nạn
Ông Phan Công Ngôn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB TKCN Lâm Đồng báo cáo quá trình cứu nạn.

Bài học kinh nghiệm được rút ra sau sự cố là: Ứng phó sự cố chuyên nghiệp và có sự phối hợp thống nhất một cách nhịp nhàng;  lực lượng cứu hộ đã đề xuất các biện pháp ứng cứu phù hợp với điều kiện thực tế khắc nghiệt của thời tiết, mặt bằng chật hẹp; thực hiện phương châm 4 tại chỗ hiệu quả.

Ban chỉ huy cứu nạn cứu hộ đề nghị khen thưởng 11 đơn vị ngoài tỉnh và 21 đơn vị trong tỉnh tham gia cứu nạn vừa qua.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu làm rõ thêm các ý: Phương châm 4 tại chỗ đã thực sự tốt chưa? Đưa ra các phương án ngay từ đầu và bổ sung các phương án tiếp theo ra sao? Hậu cần như thế nào?Chăm sóc y tế thế nào?

Lực lượng cứu nạn lên tới 750 người 

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh việc đã cứu được 12 người mà không ai bị thương. Các lực lượng cứu nạn cũng an toàn, điều kiện cứu nạn rất khắc nghiệt.

Vì sao cứu được? Chúng ta đã huy động được lực lượng hùng hậu. 11 lực lượng Trung ương và 21 lực lượng trong tỉnh. Tổng quân số là trên 750 người.

Trong quá trình cứu hộ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã vào hiện trường chỉ đạo cứu nạn. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Xây dựng cũng trực tiếp đến hiện trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn và đưa ra yêu cầu 2 mũi đào hầm hai bên. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thi công quyết liệt. Ngày 19/12 là ngày thi công quyết liệt, hiệu suất lao động cao, phương tiện huy động hùng hậu. Vì vậy, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận đường hầm nhanh.

Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy cứu hộ, cái gì làm trước, cái gì làm sau, sự huy động lực lượng tại chỗ kịp thời, đặc biệt là lực lượng công binh để đào hầm. Chính sự có mặt sẵn của lực lượng này đã cho chúng ta sẵn sàng phương án đào 2 đường hầm hai bên. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Và đặc biệt là sự vào cuộc của báo chí trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Công an nên có lực lượng cứu nạn?

Tại buổi tổng kết rút kinh nghiệm cứu hộ, Thiếu tướng Sơn đánh giá: "Nếu không có sự quyết liệt của đồng chí Bí thư, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng thì sẽ lúng túng. Có lúc, lực lượng nhiều nhưng phương án chưa tối ưu. Phải chăng, công an cũng cần có lực lượng cứu nạn để sẵn sàng những tình huống như thế này về sau". Bên cạnh đó, lực lượng tại chỗ mỏng, thiếu phương tiện chuyên nghiệp. Đây là điều chúng ta cần tính toán lại. Chia sẻ với báo chí, Thiếu tướng Sơn bày tỏ: "Báo chí muốn có thông tin ngay nhưng cứu nạn là quan trọng nhất, chúng tôi không cho báo chí vào trong hầm. Chúng tôi cũng mong các phóng viên thông cảm".

"Nhiều lực lượng quá nên hơi rối trong ngày đầu tiếp cận hiện trường"

Đại tá Phan Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng nói: Có những lúc chúng ta bàn bạc đến căng thẳng. Thống nhất trong chỉ huy là rất quan trọng. Có nhiều phương án và chúng ta phải tuân thủ sự chỉ đạo của chỉ huy, tôn trọng phương án của chỉ huy. Đây là điều cần rút kinh nghiệm để đối phó với các sự cố sau này.

Đại tá Phan Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng
Đại tá Phan Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng

Lúc ban đầu việc tổ chức sở chỉ huy chưa tốt. Thông tin từ trong hầm báo cáo ra, chỉ huy nhiều khi mang tính tự phát, chưa rõ. Từ đó cũng khó trong việc chỉ huy đưa ra các ý kiến chỉ đạo. Bên cạnh đó, việc phong tỏa hiện trường cũng chưa tốt, kể cả công an, lực lượng quân sự. Vì không phong tỏa tốt nên hơi rối trong công tác cứu nạn. 

Về hậu cần thì đảm bảo, nhưng cũng chưa có thống nhất chung. Đại Tá Phan Văn Hùng cho rằng, "thắng lợi thì rất lớn rồi nhưng cũng cần nói ra các vấn để rút kinh nghiệm".

Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nhìn nhận, sự thành công của việc giải cứu sớm 12 công nhân là do có sự chỉ huy kịp thời của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện.

Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương
Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương

Bên cạnh đó là công tác điều phối, phân công, phối hợp giữa các bộ phận. "Thực tế ngày đầu hơi lúng túng vì nhiều lực lượng. Sự kiện xảy ra lần đầu nên lúng túng. Tỉnh cũng đã phân công người phát ngôn", ông Hải nói.

Ông Hải nói: Vấn đề “tại chỗ”, chúng ta đầy đủ các bộ phận nhưng phải đến ngày thứ 2 thì lúc đó việc phân công các lực lượng mới rõ. Chẳng hạn, lúc đó huyện Lạc Dương được phân công lo hậu cần. Các lực lượng khác lo cứu hộ.

Bà Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng phát biểu: Công tác điều phối giữa Trung ương, địa phương rất tốt. Với công tác y tế, ngay ngày đầu đã thành lập Ban chỉ đạo do Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng làm trưởng ban.

 Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng
Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các lực lượng chức năng đã có sự phối hợp tốt, đã sơ cứu kịp thời cho các công nhân.

Sở Y tế cũng đã đưa được các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cao cho người bị nạn.

Khi các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm, Sở Y tế đã phối hợp để cấp cứu và đưa các công nhân đi bệnh viện. Khi đưa ra các công nhân ra thì chị Đặng Thị Hồng Ngọc huyết áp chỉ 60ml/giây. Các lực lượng chức năng đã có sự phối hợp tốt, đã sơ cứu kịp thời.

Chủ đầu tư, nhà thầu cảm kích đồng thời xin lỗi vì tai nạn bất khả kháng

Ông Đặng Quang Hải - Công ty Sông Đà 505 thay mặt các công nhân trong đơn vị cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và nhân dân cả nước trong đợt cứu nạn vừa rồi.

Đại diện chủ đầu tư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietracimex Võ Nhật Thăng  nói:Tôi rất cảm kích khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã vào công trường để chỉ huy. Và kết quả đã cứu được 12 nạn nhân.

Tôi cũng không biết nói gì vì trước đó đi nước ngoài một tuần, mới về tối hôm qua (21/12) và bay thẳng vào đây. Hôm đó, một lãnh đạo khác của đơn vị đã có mặt ở hiện trường.

Tôi thay mặt Tổng công ty xin lỗi tỉnh, nhân dân trong tỉnh đã xảy ra một điều đáng tiếc. Đây là điều bất khả kháng.

Ông Võ Nhật Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng GĐ Công ty CP đầu tư xây dựng Long Hội xin lỗi
Đại diện chủ đầu tư - ông Võ Nhật Thăng Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vietracimex xin lỗi vì để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Nhà thầu Lũng Lô đầy kinh nghiệm nhưng cũng đầu hàng. Khi Long Hội tiếp nhận dù thấy vốn ít nhưng cũng tiếp nhận làm.

Nhà thầu thứ nhất là Vinaconex cũng có kinh nghiệm đào hầm. Đơn vị này đã làm hoàn thành một phần trước đó. Nhưng khi đào đoạn này thì gặp địa chất phức tạp. Trước đó đã sụt một lần và đã dừng rồi.

Đoạn bị sụt này không phải của Công ty Sông Đà 505 đào mà công ty chỉ vào vệ sinh công nghiệp rồi phun bê tông. Đoạn này 600m đã hoàn chỉnh hơn 10 tháng nay rồi. Nhưng khi mùa mưa, công nhân vào đổ bê tông, nếu hoàn thành thì hoàn chỉnh.

Vì sao Vinaconex không làm nữa? Vì không xử lý được địa chất. Tôi đi đầu tư nhiều tỉnh, nhưng khi chúng tôi gặp khó khăn thì được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Sau khi Vinaconex rút thì Sông Đà 10 khẳng định là làm được, chúng tôi đồng ý. Mặc dù còn 70m nhưng chúng tôi phải chi hơn 37 tỷ cho các đồng chí làm.

Tại sao công nhân Sông Đà 505 vào và hầm bị sập?

Ông Thăng đặt câu hỏi và giải thích: Công nhân vào chỉ vào đổ bê tông, vệ sinh công nghiệp. Còn thực tế, đã đào trước đó 10 tháng rồi.

"Việc đưa máy móc đã tạo ra rung động. Hơn nữa, trước đó đã mưa hơn 1 tháng. Không phải gãy vòm sắt trước đây Vinaconex đã làm mà đất chảy ra từ các khe của phần chắn đã làm. Lúc đó thi công hơn 30 người, một nhóm chạy ra thì không bị gì, 12 người chạy vào bị kẹt", ông Thăng nói.

Thay mặt chủ đầu tư, Hội đồng quản trị Tổng công ty, các nhà thầu, xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh, các đơn vị đã hỗ trợ cứu nạn vừa qua.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, quyết định đưa ra phương án 2 đào hai đường hầm hai bên cũng là một sự quyết liệt.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp lời ông Võ Nhật Thăng: Qua sự việc này, chúng ta cần phải xem xét, tuân thủ tất cả các quy trình trong thi công, đặc biệt là thi công các công trình thủy điện, hầm. Từ khâu khảo sát, thiết kế, biện pháp thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ông Tiến cho rằng kinh nghiệm cứu nạn vụ sập hầm vừa qua cho thấy cần bình tĩnh để xử lý. Các phương án đưa ra phải đảm bảo an toàn cho người cứu nạn và nhanh nhất đề cứu nạn. Lực lượng tại chỗ đã huy động được ngay. Quan trọng là phương án tiếp oxy, thức ăn cho nạn nhân được thực hiện sớm. Sớm đề nghị lực lượng chi viện để đào hầm sớm. Quân khu 7 đưa công binh về sớm để đào hầm.

Việc tôn trọng ý kiến của các cơ quan chuyên môn, đơn vị có nhiều kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn là rất quan trọng. Và cuối cùng là đưa ra phương án quyết liệt, mục tiêu là nhanh chóng cứu người ra khỏi hầm sập.

Công tác hậu cần, y tế cũng kịp thời. Nhờ vậy không chỉ nạn nhân mà lực lượng cứu hộ cũng đảm bảo sức khỏe. 

Huy động đông đảo lực lượng tham gia cứu hộ
Huy động đông đảo lực lượng tham gia cứu hộ

Trước đó, chiều 19/12, thông tin từ ông Phạm Đình Hiểu, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Sông Đà 505 cho biết: Cơ quan CSĐT điều tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu thập thông tin tại nơi xảy ra vụ sập đường hầm ở thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân bị mắc kẹt.

Ngoài cơ quan CSĐT thì còn có đại diện Sở Công thương, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và phái đoàn này hơn 30 người. Đoàn đã khám nghiệm toàn bộ tuyến đường hầm, nơi sập nhằm thu thập thông tìm nguyên nhân sập hầm…

Cũng theo ông Hiểu, đường hầm này trước đây do Công ty Vinavico thi công. Đến đầu năm 2014 thì Công ty Cổ phần Sông Đà 505 thi công, nhưng chủ yếu làm các hạng mục nhà máy, đường ống áp lực, kênh dẫn nước, riêng đường hầm mới thi công hơn 1 tháng nay.

Ông Hiểu khẳng định, sáng 16/12, nhóm công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 vào trong hầm dọn dẹp để chuẩn bị đổ bê tông thì sự cố xảy ra chứ không phải đang đào bị hầm như thông tin mấy ngày qua…

Phan Tư-Mai Huyên- Lưu Thủy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.