Thế giới giao thông

Sập hệ thống thông tin, British Airways bị rẻ rúng

01/06/2017, 09:25

Hãng hàng không British Airways hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự cố sập hệ thống công nghệ thông tin...

31

Cảnh tượng hành khách của Hãng hàng không British Airway kẹt cứng tại sân bay Heathrow

Hãng hàng không British Airways hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự cố sập hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) khiến hàng loạt chuyến bay của hãng này bị hủy/hoãn suốt từ cuối tuần trước sang hai ngày đầu tuần này. Xếp hạng Hãng hàng không British Airway vì thế đã tụt thê thảm thấp hơn cả nhiều hãng hàng không giá rẻ.

Ảnh hưởng tới 75.000 hành khách, thiệt hại hàng triệu bảng Anh

Lỗi hệ thống công nghệ khiến Hãng hàng không quốc gia British Airway (BA) không thể thực hiện thủ tục kiểm tra hoặc cho phép khách lên máy bay. Hậu quả, 75.000 hành khách bị kẹt cứng tại hai sân bay chính Heathrow và Gatwick. Sự cố ước tính gây ra tổn thất khoảng 50 triệu bảng vì chi phí bồi thường và hoàn tiền vé cho hành khách.

Không chỉ vậy, nhà phân tích Damian Brewer cho biết các vấn đề mới nhất của BA có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận trong tương lai của công ty mẹ IAG. Thực tế, ngay sau vụ sập hệ thống công nghệ, cổ phiếu của IAG niêm yết tại Tây Ban Nha đã giảm 2,5%.

Đến phiên mở cửa giao dịch ngày thứ 3 (30/5), giá trị cổ phiếu của IAG giảm hơn 4% trên thị trường London. Tiếp đó, đến phiên đóng cửa cùng ngày, cổ phiếu giảm 1,4%, đồng nghĩa giá trị của tập đoàn bị sụt giảm 170 triệu bảng.

Hơn nữa, sự cố xảy ra đúng vào thời điểm bắt đầu tuần lễ nghỉ hè tại Anh. Nhu cầu hàng không tăng mạnh nên Hãng hàng không BA không tránh khỏi làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều hành khách chỉ trích hãng hàng không BA thiếu thông tin về sự cố khiến hành khách hoang mang. Công đoàn GMB cho rằng, nguyên nhân gốc rễ là do BA cắt giảm chi phí chuyển công việc cho lực lượng thuê ngoài tại Ấn Độ vào năm ngoái gây ra lỗi hệ thống.

Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành BA Alex Cruz lên tiếng xin lỗi, giải thích nguyên nhân do chập điện làm tê liệt cả hệ thống chính và dự phòng. Ông này khẳng định, không hề liên quan tới kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động mà ông thực hiện kể từ khi nhậm chức. Ông khẳng định, sẽ không từ chức vì vụ việc này.

Tổn hại danh tiếng

Tuy nhiên, tổn hại lớn nhất với BA đó là danh tiếng. Sự việc một lần nữa “đổ thêm dầu vào lửa” khi trước đó, hãng này đứng giữa tâm “bão” chỉ trích vì bắt khách trả thêm tiền ăn bánh sanwich trên các chuyến bay ngắn, hạn chế không gian trên các chuyến chặng ngắn để nâng số lượng ghế trên máy bay.

Trên trang web đánh giá các hãng hàng không do khách hàng Skytrax thực hiện, BA đạt 5/10 điểm. Trong đó, nhiều khách hàng chia sẻ, họ cảm thấy dịch vụ hạng phổ thông trên các chuyến bay ngắn của hãng này hiện không khác gì dịch vụ hàng không giá rẻ. Thậm chí, nếu so sánh về mức độ hài lòng, các hãng hàng không giá rẻ như: Ryanair và easyJet còn nhỉnh hơn chút, đều đạt 6/10 điểm, theo Skytrax.

Để lấy lại danh tiếng, hãng tin Reuters dẫn lời khuyên của nhiều nhà phân tích cho biết, hãng BA cần một động thái thực sự hấp dẫn để lấy lại hình ảnh hãng hàng không quốc gia của Anh sau sự cố vừa qua. “Điều cần thiết đó là, sau đây hãng cần phải thực hành thuần thục vấn đề thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn cho hệ thống CNTT, hệ thống dự phòng và lên kế hoạch hạn chế rủi ro tối đa nhất có thể”, nhà phân tích về giao thông đến từ Công ty Cố vấn tài chính, chứng khoán Davy, ông Stephen Furlong cho biết.

“Dù vậy, tôi cho rằng, sự cố sập hạ tầng công nghệ thông tin như vậy từng xảy ra với các hãng hàng không khác trên toàn cầu và ảnh hưởng của thị trường chứng khoán tới các hãng hàng không đó không quá lớn”, Stephen Furlong nói.

Vấn đề toàn cầu

Thực tế, không ít hãng hàng không trên thế giới đối mặt với sự cố này. Giám đốc công ty ngăn chặn sập hệ thống CNTT có trụ sở tại Israel Continuity Software, ông Gil Hecht cho biết, những sự cố như vậy xảy ra trung bình 1 lần/năm.

Hãng hàng không Delta của Mỹ từng phải hủy 2.300 chuyến bay trong 3 ngày hồi tháng 8 năm ngoái vì chập điện, gây tổn thất 150 triệu USD lợi nhuận trước thuế trong quý đó. Hãng hàng không Southwest Airlines cũng phải hạ mục tiêu lợi nhuận trong năm ngoái sau sự cố máy tính buộc hãng phải hủy hơn 2.000 chuyến bay.

Hệ thống CNTT và dự phòng của các hãng hàng không thường là sự kết hợp của hệ thống hiện đại trên nền công nghệ từ năm 1960. Việc cần phải duy trì hệ thống 24/7 đồng nghĩa rất khó tắt toàn bộ hệ thống để đại tu toàn diện.

Công ty Công nghệ Hecht of Continuity Software cho biết, sự cố sập điện của Delta khiến rất nhiều công ty lo sợ và có nhu cầu cải thiện hệ thống CNTT. Chỉ trong 2 năm qua, nhu cầu về công nghệ đảm bảo kinh doanh liên tục (business continuity technology) tăng 500%. “British Airways và các hãng hàng không khác có thể làm tốt hơn nhưng để làm được, một phần trong đó liên quan tới quyết định tài chính”.

Ông Michael Gierse, Giám đốc quản lý quỹ của Union Investment - cổ đông của Hãng hàng không Lufthansa cho biết, tất cả các công ty, không riêng gì các hãng hàng không đều cần phải có một thành viên hội đồng chịu trách nhiệm riêng về vấn đề CNTT. “Tốt nhất là CEO nên chịu trách nhiệm vấn đề CNTT. Đó là điều vô cùng quan trọng”, ông nói.

Trước đó, Hãng hàng không Đức Lufthansa kịp thời tăng cường các biện pháp đảm bảo tính liên tục cho trung tâm điều hành chính của hãng và cũng có một trung tâm dự phòng riêng rẽ được đặt tại một địa điểm bí mật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.