Vận tải

Sắp kết nối chuỗi dịch vụ 3 cảng hàng không lớn

06/01/2017, 14:56

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tích cực xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần tại HGS cho SAGS.

6

Hành khách làm thủ tục lên tàu bay của VietJet Air (Nhà ga T1 Cảng HKQT Nội Bài) - Ảnh: Khánh Linh

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tích cực xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) cho Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Nếu việc này thành hiện thực, 3 cảng hàng không lớn nhất nước là: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất sẽ được kết nối chuỗi dịch vụ mặt đất.

Cách nào thoái vốn tại HGS?

ACV vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất phương thức thoái vốn tại HGS sau khi nhận được “cái gật đầu” về chủ trương cho phép thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại HGS của Bộ GTVT. Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, ACV đã từng có văn bản đề xuất Bộ GTVT được thoái vốn theo lô tại HGS. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện phương thức bán cổ phần theo lô chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước, trong khi ACV hiện đã hoạt động theo mô hình CTCP nên không thể áp dụng theo phương thức này.

Theo các chuyên gia chứng khoán, hiện tại, nếu không thể thực hiện thoái vốn theo lô, ACV có thể thực hiện thoái vốn tại HGS theo 3 phương thức: Đấu giá; thoả thuận giữa các nhà đầu tư xác định (có sự cạnh tranh về giá) và thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

Với phương thức đấu giá, ACV sẽ thực hiện thẩm định giá để xác định giá khởi điểm đấu giá cổ phần của ACV tại HGS và xin phép Ủy ban chứng khoán Nhà nước công bố thông tin về việc thoái vốn. Sau khi được chấp nhận, số cổ phần của ACV tại HGS sẽ được đấu giá công khai.

Với phương thức thoả thuận với nhà đầu tư xác định dựa trên các điều khoản về giá chào bán và điều kiện khác, số cổ phần của ACV tại HGS sẽ được chào bán cho một số lượng nhà đầu tư xác định và các thông tin về đợt chào bán sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các nhà đầu tư trên cơ sở các thoả thuận về bảo mật thông tin.

Phương thức cuối cùng là thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp ACV đã tìm kiếm được nhà đầu tư, đồng thời được Bộ GTVT chấp thuận phương án cho chào bán thoả thuận trực tiếp cho đối tác hoặc cho phép HĐQT của ACV chủ động quyết định phương thức chào bán.

Chủ tịch ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, phương thức thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư SAGS là phù hợp với định hướng của ACV và các công ty liên kết, đồng thời bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, cùng ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp thoái vốn và tạo điều kiện cho DN phát triển sau thoái vốn. “ACV có thể chào bán cả lô cổ phần tại HGS cho SAGS theo phương thức thẩm định giá cổ phiếu được xây dựng bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá trong danh sách được Bộ Tài chính chấp thuận”, ông Hùng nói và cho biết đã đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án chào bán thoả thuận trực tiếp với CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Vũ Anh Minh cho biết, Bộ GTVT chỉ đồng ý về chủ trương cho phép ACV được thoái vốn ở HGS. Việc thoái vốn như thế nào phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Kết nối chuỗi dịch vụ tại 3 cảng hàng không lớn nhất nước

ACV hiện đang có vốn góp trong 2 công ty có cùng chức năng là cung cấp dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không. Cụ thể, doanh nghiệp này đang nắm giữ tới 48% cổ phần tại SAGS. Cần phải nói rằng, SAGS là doanh nghiệp có thương hiệu lớn với hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đang cung cấp dịch vụ tại 3 cảng hàng không lớn là Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh với doanh thu năm 2015 đạt 600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng. Nếu việc thoái vốn thành công, đồng nghĩa với việc 3 CHK lớn nhất nước là: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng sẽ được kết nối thành chuỗi dịch vụ mặt đất.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, SAGS đã bảy tỏ ý định mua lại HGS với mục tiêu “kết nối chuỗi dịch vụ tại 3 cảng hàng không lớn nhất cả nước, giúp tăng quy mô hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả SAGS và HGS.

Trước đó, HĐQT HGS cũng đã có nghị quyết ủng hộ đề xuất của ACV về việc nhượng bán 20% cổ phần của ACV cho SAGS. “SAGS là doanh nghiệp tiên phong có uy tín lớn của ACV trong lĩnh vực phục vụ mặt đất tại cảng hàng không. Thực tế, HGS thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của SAGS trong quản trị doanh nghiệp”, đại diện HGS nói.

Phía ACV, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, chỉ tính riêng năm 2016, SAGS đã giúp HGS ký được thêm hợp đồng với 5 hãng hàng không quốc tế lớn là: Turkish Airlines, Emirate Airlines, Malindo Airlines, Hainam Airlines và Nok Air.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không VN cho biết, cả HGS và SAGS hiện tại đều cung cấp dịch vụ mặt đất giống nhau, hoàn toàn theo chuẩn quốc tế. Việc SAGS mua lại HGS nếu thành công, trước mắt sẽ chưa tác động, chưa thay đổi nhiều đến dịch vụ hành khách. Tuy nhiên, về lâu dài, việc mua bán, sáp nhập này sẽ khiến quy mô hoạt động của doanh nghiệp tăng lên, tiềm lực lớn hơn và doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện để đầu tư, phân phối trang thiết bị đồng bộ tại các cảng hàng không lớn trên cả nước, tránh tình trạng chỗ có, chỗ không.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đã chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV phối hợp với HĐQT ACV thực hiện chào bán số cổ phần trên cho cổ đông sáng lập khác theo quy định tại Khoản 3, Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014; phương thức chào bán là bán đấu giá (trong trường hợp có trên 2 cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần) hoặc bán thỏa thuận (trong trường hợp chỉ có một cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần). ACV cũng được yêu cầu thực hiện bán đấu giá công khai số cổ phần trên cho các nhà đầu tư khác không phải là cổ đông sáng lập (nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông của HGS). “Giá khởi điểm chào bán cổ phần sẽ được xác định thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá”, Thứ trưởng Trường chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.