Xã hội

Sập sàn bê tông 2 người chết ở Đà Nẵng: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

27/05/2023, 11:45
image

Vụ sập sàn bê tông ở Đà Nẵng làm 2 người chết, 3 người bị thương đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Cần khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm

img

Hiện trường vụ sập sàn bê tông lúc rạng sáng 25/5

Liên quan vụ sập sàn bê tông công trình trên đường 2 tháng 9 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khiến 2 người chết, 3 người bị thương vào rạng sáng 25/5, Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định pháp luật, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình do chủ đầu tư thuê phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm của nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát đối với chủ đầu tư sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên tại hợp đồng đã được giao kết. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.

"Đây là vụ việc có hậu quả rất nghiêm trọng, do đó qua xác minh, điều tra của cơ quan có thẩm quyền nếu xác định nguyên dân dẫn đến tai nạn là do cá nhân vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thì cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Nguyễn Sương cho hay.

Theo luật sư, "Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với khung hình phạt cao nhất là từ 7 năm - 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm - 5 năm.

"Trong vụ việc này, để xác định được trách nhiệm của cá nhân/tổ chức có liên quan, cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn là từ đâu, lỗi thuộc về ai, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Trường hợp có dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định của pháp luật", luật sư Sương cho biết thêm.

Trách nhiệm bồi thường ra sao?

Theo Luật sư Sương, khi xảy ra tai nạn lao động nhà thầu - người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 và Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.

img

Hiện trường sàn bê tông tầng 2 của công trình 5 tầng đang thi công bị sập

Ngoài việc kịp thời sơ cứu, cấp cứu, tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động. Bồi thường mà không hoàn toàn do lỗi của chính người bị tai nạn lao động gây ra.

Luật sư Sương cho biết thêm, trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.

Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 38 của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

"Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động", luật sư Sương cho hay.

Như Báo Giao thông đưa tin, lúc 1h sáng tại công trình Nhà ở kết hợp dịch vụ kinh doanh ẩm thực số 34-36 đường 2 tháng 9 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xảy ra vụ sập sàn bê tông trong quá trình thi công.

Vụ tai nạn khiến 2 người bị vùi lấp trong bê tông tươi và tử vong là Nguyễn S. (SN 1970) và Nguyễn Thị X. (SN 1974, cùng quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Ba người bị thương gồm: Nguyễn Văn Q. (SN 1973), Lê Văn H. (SN 1979; cùng quê Quảng Nam) và Ngô Duy T. (SN 1978, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Theo UBND quận Hải Châu, công trình trên do bà Đ.P.T. làm chủ đầu tư, có giấy phép xây dựng ngày 16/6/2020 do UBND quận Hải Châu cấp, gia hạn lần 1 ngày 28/5/2021, gia hạn lần 2 ngày 30/5/2022 với quy mô 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, tum, mái đúc.

Đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng đô thị và KCN, địa chỉ tại thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng và kiểm định Bách Khoa Việt ở TP.HCM.

Nhà thầu phụ thực hiện nhiệm vụ thi công đổ sàn là Công ty TNHH MTV Tư vấn và thiết kế xây dựng Minh Phát Phú ở quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.