Quản lý

Sắp thành lập 15 chi cục quản lý đường thủy

10/04/2014, 07:30

Cục Đường thủy nội địa vừa đề xuất với Bộ GTVT cho lập 15 Chi cục trên cơ sở sắp xếp lại hai Chi cục phía Bắc và phía Nam, Thanh tra Cục và 10 Đoạn quản lý đường thủy hiện nay.

Sau cổ phần hóa, các Đoạn sẽ có sự tách bạch giữa công tác quản lý Nhà nước và dịch vụ đường thủy
Sau cổ phần hóa, các Đoạn sẽ có sự tách bạch giữa công tác quản lý Nhà nước và dịch vụ đường thủy


Tách bạch quản lý hạ tầng và sản xuất kinh doanh


Ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Cục này vừa đề xuất với Bộ GTVT cho lập 15 Chi cục Đường thủy nội địa, trên cơ sở sắp xếp lại hai Chi cục phía Bắc và phía Nam, Thanh tra Cục và 10 Đoạn quản lý đường thủy (với 81 trạm) hiện nay. Mỗi Chi cục có 7 công chức, với cơ cấu tổ chức gồm: Một Trưởng và Phó Chi cục, một kế toán trưởng, chuyên viên nghiệp vụ, đội thanh tra - an toàn. Cơ sở vật chất của Chi cục được hình thành trên cơ sở “tách” từ các Đoạn, Chi cục, đơn vị thanh tra hiện tại. 


“Sau khi cổ phần hóa các Đoạn, tất cả các trạm quản lý hiện nay sẽ được chuyển thành tổ sản xuất của các công ty. Vì thế, Cục quan niệm, Chi cục là bàn tay nối dài của Cục, là cấp quản lý Nhà nước cuối cùng, trực tiếp về đường thủy. Trung bình mỗi Chi cục sẽ quản lý 400km luồng, tuyến. Đây là phương án hợp lý nhất, giúp Cục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý” - ông Cừu cho biết. 

Quản lý trực tiếp, tránh hình thức


Với việc lập 15 Chi cục như đề xuất, biên chế công chức của các đơn vị này cũng chỉ là 142 người, giữ nguyên theo chỉ tiêu hành chính được Bộ GTVT giao trước đây (gồm Chi cục phía Bắc, Nam; Thanh tra) và thêm một số lao động hợp đồng chuyển từ các Đoạn QLĐT nội địa sang.


Theo ông Trần Văn Cừu, ý tưởng xây dựng 15 Chi cục xuất phát từ việc hình thành phạm vi phân chia quản lý thành 15 Đoạn có từ trước. “Cục Đường thủy nội địa VN đã nhiều lần định sắp xếp, phân chia lại nhưng với đặc thù sông nước rất khó làm” - ông Cừu nhấn mạnh. 
 

Cục Đường thủy nội địa VN hiện được Bộ GTVT giao quản lý gần 7.000km đường thủy nội địa quốc gia trên toàn quốc. Trước đây, bộ máy quản lý đường thủy quốc gia được tổ chức thành hệ thống gồm Cục và 15 Đoạn quản lý đường thủy nội địa, bên dưới là các trạm quản lý. Từ năm 2005, 5/15 Đoạn được thí điểm chuyển từ đơn vị quản lý Nhà nước thành loại hình doanh nghiệp cổ phần.

Cũng theo ông Cừu, bất cập trong việc tổ chức hai Chi cục như hiện nay là phạm vi quản lý quá rộng, có khi vài tháng cũng không đến cơ sở, như vậy chỉ như cấp trung gian giữa Cục và các công ty làm dịch vụ đường thủy. Còn chia thành 15 Chi cục sẽ thực hiện được chức năng quản lý trực tiếp và khép kín địa bàn quản lý, tránh được tính hình thức như hiện tại. 

Đồng tình với đề xuất lập 15 Chi cục, Chánh thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện khuyến cáo, nếu không triển khai sớm, hoạt động của lực lượng thanh tra đường thủy sẽ bị gián đoạn, thậm chí tê liệt.


Liên quan đến phương án lập 15 Chi cục, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng, với phạm vi bình quân quản lý 400km/Chi cục và biên chế công chức không tăng, con số 15 Chi cục không phải là lớn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Viên yêu cầu nhân sự cho các Chi cục phải lựa chọn cán bộ có năng lực và chỉ lấy số lượng hợp đồng lao động ở mức tối thiểu.


Thứ trưởng Viên cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN nhanh chóng đưa phương án hợp lý nhất. Cùng với đó, các tỉnh miền Trung đang nhận ủy thác quản lý các tuyến đường thủy quốc gia cũng cần sắp xếp lại các đơn vị trực tiếp quản lý, để phù hợp với mô hình chung của ngành Đường thủy.


“Cùng với việc khẩn trương cổ phần hóa 10 Đoạn QLĐT nội địa còn lại, Cục Đường thủy nội địa VN cần gấp rút triển khai việc lập các Chi cục đường thủy. Trong đó, đảm bảo yêu cầu tách bạch quản lý Nhà nước và sản xuất, không gây biến động, xáo trộn đời sống, việc làm của cán bộ, công nhân viên” - Thứ trưởng Trương Tấn Viên chỉ đạo.

Huy Lộc
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.