Thông tin doanh nghiệp

SAR-79 và quá trình phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn

14/12/2015, 09:12

Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước SOLAS và Công ước SAR-79 nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu tai nạn...

8
Tàu SAR 413 của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 3

Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (Công ước SOLAS) và Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR-79) nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu tai nạn của ngành Hàng hải, bảo đảm an toàn sinh mạng con người hoạt động trên biển.

Theo Công ước SAR-79, để bảo đảm an toàn sinh mạng con người trên biển, các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ thực thi các giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn, rủi ro cho người hoạt động trên biển ở mức thấp nhất và bảo đảm nếu có tai nạn xảy ra trong vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của mỗi quốc gia thì phải được cứu nạn nhanh nhất. Để đáp ứng mục tiêu, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp, phương án TKCN chung giữa các lực lượng TKCN chuyên trách từ T.Ư tới các địa phương.

9
Sự phối hợp trong công tác TKCN giữa T.Ư và địa phương

Tại Chương II của Công ước SAR-79 quy định rõ về tổ chức phối hợp các hoạt động TKCN trên biển, các quốc gia thành viên phải đảm bảo có những kế hoạch cần thiết trong việc cung cấp các dịch vụ TKCN phù hợp với những người gặp nạn trên biển trong phạm vi bờ biển của mình. Tất cả các thông tin thay đổi bao gồm: Dịch vụ TKCN hàng hải quốc gia; Vị trí thành lập các trung tâm phối hợp cứu nạn, số điện thoại, số fax và khu vực chuyên trách; Các đơn vị chính, sẵn có để sử dụng sẽ được quốc gia đó thông báo tới các quốc gia thành viên của công ước. Mỗi khu vực TKCN sẽ được thiết lập theo thỏa thuận giữa các thành viên tham gia. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về sự phân vùng của một khu vực TKCN giữa các thành viên, họ sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận nhờ vào những sắp xếp thích hợp, theo đó việc phối hợp toàn bộ các hoạt động TKCN giữa các thành viên trong vùng đó là như nhau. Thỏa thuận đạt được giữa các bên sẽ được thông báo cho Ban Thư ký IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế) để thông báo cho các thành viên liên quan.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phối hợp trong công tác TKCN, các lực lượng TKCN từ T.Ư tới địa phương đã triển khai công tác này bằng những thỏa thuận, phương án hiệp đồng trong hoạt động TKCN người và phương tiện gặp sự cố trên biển. Từ năm 2008 đến nay, các lực lượng TKCN Việt Nam đã phối hợp cấp cứu, cứu nạn kịp thời cho khoảng 1.700 ngư dân và 21 người nước ngoài; Cứu, kéo 163 tàu (156 tàu cá, 5 tàu vận tải, 2 tàu nước ngoài) bị nạn trên biển; Đưa hàng trăm lượt ngư dân bị nạn lên các đảo, các tàu chăm sóc sức khỏe và bàn giao cho địa phương an toàn, chu đáo, giúp ngư dân yên tâm lao động, sản xuất và các phương tiện khác hoạt động, nhất là ở các vùng biển xa bờ.

Là một trong những lực lượng tham gia phối hợp thông tin trong hoạt động TKCN trên biển, hệ thống Đài TTDH Việt Nam đã và đang tổ chức trực 24/7 để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về TKCN từ T.Ư tới các địa phương như: Ủy ban Quốc gia TKCN, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng không, các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 1, 2, 3, 4 và với các Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển để xác minh, xử lý thông tin, chuẩn bị phương án và tiến hành TKCN cho người và phương tiện gặp nạn trên biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.