Quân sự

Sau 70 năm, NATO đã đến lúc nên nghỉ hưu?

12/04/2019, 07:42

NATO đã bước sang tuổi 70 và nhiều ý kiến thắc mắc rằng, liệu đã đến lúc liên minh quân sự thành công và lâu đời nhất thế giới cần “nghỉ hưu”.

img
Người biểu tình kêu gọi “STOP NATO” tại Quảng trường Lafayette ở Washington vào ngày 30/3 trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 4/4

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bước sang tuổi 70 và nhiều ý kiến thắc mắc rằng, liệu đã đến lúc liên minh quân sự thành công và lâu đời nhất thế giới cần “nghỉ hưu”.

Mở rộng nhưng không gia tăng sức mạnh

Để trả lời cho câu hỏi này, chuyên gia nghiên cứu quân sự Gil Barndollar, người từng là lính bộ binh Mỹ trong những năm 2009 - 2016 đã có bài viết phân tích đáng chú ý trên tờ The National Interest. Ông Barndollar đã từng tham gia lực lượng hỗ trợ an ninh của NATO (ISAF) trong 2 chiến dịch triển khai tại Afghanistan.

Theo ông Barndollar, các quốc gia thành viên NATO tại châu Âu hiện không chỉ đóng góp quân bị, kinh phí vào liên minh mà ngày càng xa rời mục đích ban đầu của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh.

Được thành lập năm 1949 nhằm chống Liên Xô và các đồng minh của Moscow trong thời kỳ đối đầu giữa hai hệ thống tư tưởng, nhưng sau khi khối Hiệp ước Warsaw giải thể, liên minh quân sự NATO vẫn tiếp tục tồn tại và mở rộng nhiều nhất vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi mối đe dọa của một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu không còn nữa.

Liên minh từ 12 thành viên đang chuẩn kết nạp thành viên thứ 30, Bắc Macedonia. Trớ trêu thay, cả quốc gia này chỉ có một đội quân gồm 8.000 người và ngân sách quốc phòng ước tính 120 triệu USD, chỉ ngang với số lẻ sau dấu phẩy trong ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc.

Trước đó, năm 2017, NATO kết nạp thêm Montenegro, đất nước có đội quân chỉ vỏn vẹn 2.000 người, còn ít hơn cả 2 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và chỉ bằng khoảng 5% nhân sự của Sở Cảnh sát TP New York.
Rõ ràng, các thành viên NATO mới này hầu như không có khả năng quân sự thực sự để giúp đỡ nước khác trong liên minh, nhưng họ mang đến một điều khác: Sự gia tăng căng thẳng với Moscow, bởi sự mở rộng không ngừng của NATO đến sát “ngưỡng cửa” lãnh thổ Liên bang Nga.

Cựu quân nhân Mỹ còn cho rằng, có rất nhiều dẫn chứng để thấy rằng NATO hiện tại chỉ là một “con hổ giấy”, bị bao vây, o bế vì thực tế các nước thành viên đều cố gắng cắt giảm ngân sách quốc phòng của mình.

Cụ thể, sau khi tham gia chiến dịch không quân Kosovo năm 1999, Không quân Hoàng gia Anh gần như hết bom và đạn dược. Khi đó, máy bay Mỹ đóng vai trò chủ lực, chiếm 2/3 tổng số phi cơ chiến đấu trong cuộc chiến kéo dài 78 ngày.

Đến năm 2011, sự can thiệp vào Libya của NATO cho thấy hiệu suất chiến đấu không tương đồng của các thành viên liên minh. Chỉ có 8/28 thành viên NATO tham gia các cuộc không kích, trong đó hầu hết các nước châu Âu đã hết sạch bom thông minh và phải đề nghị Mỹ cung cấp lại để tích trữ trong các kho vũ khí.

Những điều này cho thấy NATO không còn là một liên minh quân sự đáng tin cậy và cũng không làm cho nước Mỹ an toàn hơn, ông Barndollar nêu quan điểm.

Thờ ơ trong bảo vệ châu Âu

img
Binh sĩ Mỹ trong buổi lễ chào đón của quân đội NATO tại Ba Lan hồi tháng 4/2017

Thông thường, các quốc gia Baltic của NATO sẽ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu về các cuộc chiến tranh hoặc tái sáp nhập với Moscow hơn, nhưng các nước này lại khá thờ ơ với những lo ngại này, họ chỉ dành gần 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Trong khi đó, Anh, một trong những nước đóng góp nhiều nhất vào NATO đã cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đội quân của Anh đang thiếu biên chế đến nỗi nếu dồn toàn bộ binh sĩ Anh vào sân vận động Wembley thì vẫn còn chỗ trống. Hải quân Hoàng gia cũng thiếu nhân sự đến nỗi một tàu khu trục và một tàu chiến phải neo đậu tại Portsmouth trong hầu hết các đợt huấn luyện của năm 2017 và 2018.

Tuy nhiên, Đức, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là quốc gia dẫn dắt chính trị châu Âu lại có sự đầu tư vào quốc phòng tồi tệ hơn cả Anh. Chỉ có 1/3 máy bay chiến đấu của Không quân Đức thường xuyên được đặt lệnh sẵn sàng chiến đấu. Và trong một cuộc tập trận năm 2015, quân đội Đức đã sử dụng cán chổi đen để mô phỏng súng máy do thiếu thiết bị.

Ngoài ra, ngay trước khi NATO kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, tờ The Wall Street Journal báo cáo rằng, Berlin sẽ từ bỏ mục tiêu đạt mức chi tiêu tối thiểu 1,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Như vậy, các lời đe dọa và sự tức giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong 2 năm qua đã không đạt được kết quả gì.

Thái độ của Đức đối với NATO đã cho thấy vấn đề then chốt, không thể giải quyết được đối với liên minh: Các thành viên Tây Âu trong NATO đã liên tục cho thấy sự thờ ơ trong việc bảo vệ châu Âu, thậm chí là các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga?

Trong khi đó, Điều lệ 5 của NATO đã không phải là một cam kết bắt buộc để tham gia chiến sự. Mặc dù điều lệ này tuyên bố rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh. Nhưng cách mỗi quốc gia phản ứng với mối đe dọa lại tùy theo quyết định của mỗi nước.

Do vậy, theo quan điểm của ông Barndollar, chừng nào Mỹ còn cam kết bảo vệ châu Âu, thì châu lục này sẽ thiếu ý chí và phương tiện để tự vệ. Và chỉ có cú sốc về việc Mỹ rút khỏi NATO mới có thể thúc đẩy các quốc gia châu Âu cam kết bảo vệ tập thể của chính họ. Nếu điều này xảy tới, rõ ràng đây là sự chấm dứt của NATO sau 7 thập kỷ bền bỉ nối dài sức sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.