Đời sống

Sau cảnh báo, vẫn có người ăn Pate Minh Chay và bị ngộ độc

09/09/2020, 09:09

Hiện BV Bạch Mai đã tiếp nhận 35 ca đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay; trong đó, có 13 ca ngộ độc nhẹ và 2 ca đang điều trị.

img
Bệnh nhân đang điều trị tại BV Bạch Mai do ngộ độc sản phẩm Minh Chay

Ngày 9/9, BV Bạch Mai thông tin, đến nay Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay. Trong đó, có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này đã ăn thực phẩm Pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định, được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp, nếu có diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Qua các hoạt động hội chẩn, trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ thuộc hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu của các tỉnh cho thấy, mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) đã phát đi lời cảnh báo từ ngày 29/8 và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tuyên truyền rất mạnh mẽ nhưng ngày 3/9 vẫn có 1 bệnh nhân ăn Pate Minh Chay và bị ngộ độc, đang phải điều trị tại một bệnh viện. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết và nguy cơ gây ngộ độc tiếp".

Theo BS. Nguyên, các sản phẩm của công ty trên đang gây ngộ độc, đặc biệt món Pate Mịnh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay. Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt.

Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29/8. Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ. Đặc biệt bệnh nhân đã tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại. Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ hy vọng tình trạng của bệnh nhân này sẽ được cải thiện tốt hơn do đã được dùng thuốc giải độc.

"Người dân cần tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm của đơn vị này (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay). Nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của Công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng. Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra", ông Nguyên khuyến cáo.

Ngoài Hà Nội, hiện còn có khoảng 10 bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện khác trên toàn quốc trong tình trạng nặng và nhiều bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc nhẹ đã được thăm khám và chỉ định theo dõi tại nhà.

Liên quan đến vụ việc ngộ độc pate Minh Chay, trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 8/9, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, chưa có báo cáo kết quả thu hồi và xử lý sản phẩm do vướng mắc từ nhiều khâu và liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành các địa phương.

Giải thích rõ hơn, ông Mỹ cho biết, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm rà soát, truy xuất nguồn gốc các nguyên liệu được chế biến. Từ đó, kết luận tìm ra nguyên nhân phải do các Sở Y tế các địa phương giám định.

Cụ thể, sau khi nhà sản xuất cung cấp danh sách nguyên liệu đầu vào nhập ở đâu như hạt điều, nấm hương… Sau đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phải thống nhất với các Sở NN&PTNT các địa phương, nơi cung cấp nguyên liệu đó để xem các nguyên liệu có đảm bảo an toàn không?

“Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc vẫn chưa có kết quả do nguyên liệu đến từ nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên… chứ không phải tập trung một vài nơi nên ảnh hưởng đến thời gian kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và giám định kết quả tại địa phương", ông Mỹ nhấn mạnh.

Ông Mỹ cũng cho biết, Sở NN&PTNT TP.Hà Nội đã kiến nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục An toàn thực phẩm phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, Sở Y tế trong việc thẩm tra, truy xuất, điều tra nguyên nhân đối với sản phẩm bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.