Bất động sản

Sau "cú sốc" Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng có còn hấp dẫn?

11/01/2020, 15:06

Sau “cú sốc” Cocobay, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đã rơi vào tình trạng khá ảm đạm do tâm lý e ngại của giới đầu tư

img
Sau “cú sốc” Cocobay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã rơi vào tình trạng khá ảm đạm do tâm lý e ngại của giới đầu tư(hình ảnh minh hoạ)

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Dự báo thị trường BĐS nghỉ dưỡng 2020 sáng nay (11/1): Sau “cú sốc” Cocobay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã rơi vào tình trạng khá ảm đạm do tâm lý e ngại của giới đầu tư. Tuy nhiên, nếu vấn đề pháp lý được tháo gỡ, thị trường sẽ trở nên hấp dẫn ngay trong quý II/2020.

TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư BĐS nhận định, năm 2020, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những dự án BĐS nghỉ dưỡng đạt các yếu tố: Môi trường đẹp, giao thông thuận lợi; Có thể kết hợp nghỉ dưỡng và khai thác; Thiên nhiên, môi trường được giữ gìn; Nguồn cung có giới hạn, bảo đảm tăng giá trị trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Khương, bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có khá nhiều băn khoăn về pháp lý cho các căn hộ condotel vẫn chưa được tháo gỡ; Dòng vốn ngân hàng đang siết chặt; Năng lực phát triển, vận hành dự án BĐS nghỉ dưỡng của chủ đầu tư còn hạn chế; Giá bán các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng bị đẩy lên quá cao.

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - kinh tế cho hay: Năm 2018, khách du lịch quốc tế đạt cột mốc 15 triệu lượt, tăng gấp đôi so với năm 2015; trong khi đó, nhu cầu du lịch của người dân cũng gia tăng với lượng khách nội địa đạt mốc 95 triệu khách. Chưa kể, dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, dự kiến đạt mốc 33 triệu người vào năm 2022. Do đó, nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng theo đó sẽ tăng cao.

Ở góc độ tài chính, TS Đinh Thế Hiển, khẳng định: Đầu tư vào 1m2 BĐS du lịch mang lại giá trị gia tăng hơn hẳn các BĐS loại hình khác trong năm 2018.

“Với mức đơn giá phòng bình quân 1,4 triệu đồng/ngày, công suất phòng cho thuê khoảng 60%, số ngày khai thác 360 ngày; mỗi sản phẩm BĐS đầu tư (trị giá khoảng 2 tỷ đồng), sẽ cho tổng doanh thu 302 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận gộp khoảng 215 triệu đồng. Tỷ lệ nhà đầu tư nhận khoảng 85%, tương đương số tiền thực nhận là 182 triệu đồng, nghĩa là lợi suất đầu tư khoảng 9,1%”, ông Hiển tính toán.

Nói về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital chia sẻ với báo chí, sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch luôn là một trong những mảng đầu tư được ưu tiên của Việt Nam đã tạo sức bật cho nhiều thành phố du lịch trong giai đoạn vừa qua. Đây được xem là cơ sở nền tảng cho BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong bối cảnh du khách cả trong và ngoài nước ngày càng khắt khe trong yêu cầu về nơi ăn, chốn ở, nghỉ dưỡng được xem là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc BĐS du lịch trong dài hạn.

Ghi nhận thực tế của đầu tư BĐS hiện nay, dù đã gia tăng khá mạnh trong những năm vừa qua, nhưng các sản phẩm BĐS du lịch của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế hướng đến du lịch trải nghiệm. Mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước.

Do đó, theo ông Trương Xuân Quý, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Flamingo, trong năm 2020, BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư có nhiều điểm sáng. So với tiềm năng thực tế thì mức độ khai thác vẫn chưa nhiều và còn triển vọng ở tương lai. Nhu cầu thị trường du lịch thế giới đến Việt Nam là vẫn có, do đó câu chuyện sắp tới sẽ là sự bùng nổ của những sản phẩm độc đáo kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.