Thời sự Quốc tế

Sau cuộc gặp với Thủ tướng, AstraZeneca cam kết đầu tư, giao vaccine sớm

02/11/2021, 22:11

AstraZeneca cam kết sẽ giao toàn bộ số vaccine còn lại từ hợp đồng cũ trong tháng 11 và đầu tư 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) vào Việt Nam.

Thẳng thắn đề nghị AstraZeneca bàn giao sớm vaccine

Đây là hai tin vui về vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot tại Anh vào tối 2/11, theo giờ Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh AstraZeneca là đơn vị đầu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam và cho biết đã có 20 triệu liều vaccine thông qua ký kết với tập đoàn đã về tới Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam nhận được hơn 30 triệu liều khác từ cơ chế COVAX và qua các cam kết ủng hộ, chuyển nhượng của các nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine trong công cuộc phòng, chống dịch, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nhờ vaccine và các giải pháp chống dịch, Việt Nam đã vượt qua khó khăn khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.

img

Buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và AstraZeneca diễn ra tại phòng họp ở Trung tâm Engine Works. Ảnh: TTXVN

Trong lộ trình thích ứng an toàn với dịch bệnh mà Việt Nam đang hướng tới, vaccine đóng vai trò then chốt. Với tác động hiệu quả của vaccine, Việt Nam có thể từng bước mở cửa, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch thay vì theo đuổi "Zero Covid-19".

Đề cập đến việc tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước và hợp đồng mua vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng giám đốc AstraZeneca trực tiếp quyết định việc bàn giao số vaccine đã đặt mua trong năm 2021 để Việt Nam sớm đạt độ phủ vaccine, từ đó phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chia sẻ chiến lược mà Việt Nam hướng tới là nâng cao năng lực y tế, phát triển ngành công nghiệp dược và đảm bảo an ninh y tế trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định. Vì vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác chiến lược với AstraZeneca để phát triển ngành dược lâu dài và bền vững, đảm bảo an ninh y tế.

Qua cuộc làm việc, Thủ tướng kỳ vọng "mối lương duyên của Việt Nam và AstraZeneca sẽ đơm hoa kết trái một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trong tương lai”.

AstraZeneca cam kết giao sớm vaccine và đầu tư 90 triệu USD vào Việt Nam

Đáp lại những chia sẻ và kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot cam kết bàn giao toàn bộ số vaccine còn lại từ hợp đồng đặt mua trong tháng 11 dù khó khăn.

Cũng trong cuộc làm việc, Việt Nam đã ký kết hợp đồng thương mại mua hơn 25 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Đây là hợp đồng thứ 2 của Hệ thống tiêm chủng VNVC mua vaccine Covid-19 của AstraZeneca, chấp nhận nhiều mạo hiểm, rủi ro, với quyết tâm sớm đưa nhiều loại vaccine mới, số lượng lớn về Việt Nam, đặc biệt là vaccine Covid-19.

Với ký kết này, tổng số vaccine Covid-19 mà VNVC đã đặt mua thành công của AstraZeneca lên tới hơn 55 triệu liều.

Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot khẳng định, lô vaccine đầu tiên trong thỏa thuận ký hôm nay sẽ được bàn giao một phần ngay trong tháng 12 tới.

img

Lễ công bố đầu tư và ký kết hợp tác. Ảnh: Hoài Vũ

Ngoài ra, AstraZeneca sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay trong nước.

Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030, ba sản phẩm thuốc quan trọng được công ty sản xuất gia công trong nước.

AstraZeneca và Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) cũng ký thỏa thuận cung ứng thêm hỗn hợp kháng thể đơn dòng đã được tối ưu hoá, có tác dụng kéo dài tới 12 tháng của AstraZeneca, mang tên AZD7442.

Nếu được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, AZD7442 sẽ là loại hỗn hợp kháng thể đơn dòng đầu tiên có khả năng vừa phòng ngừa, vừa điều trị Covid-19.

Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.