Thế giới

Sau đại dịch sẽ là “đại khủng hoảng” rác thải

28/04/2020, 07:05

Việc sử dụng nhiều đồ nhựa trong thời gian đại dịch kèm theo công đoạn tiêu hủy lại vô cùng khó khăn là nguy cơ của “đại khủng hoảng” rác thải.

img
Vào thời điểm đỉnh dịch, Vũ Hán chứng kiến lượng rác y tế tăng lên 200 tấn/ngày (Trong ảnh: Rác thải y tế tại Nhà máy Xử lý rác thải ở Yangzhou)

Sau cuộc chiến dồn dập chống đại dịch Covid-19, thế giới đứng trước nguy cơ đối mặt với một trận chiến khác tuy chưa nguy kịch nhưng hậu quả cũng không kém nghiêm trọng. Đó là những bãi rác thải y tế, rác thải nhựa sinh hoạt khổng lồ chất chồng như núi. Những gì Trung Quốc đang phải đối mặt sau nhiều ngày tháng chống dịch quyết liệt là một ví dụ rõ nhất.

Cách ly xã hội làm tăng lượng rác thải nhựa

Một trong những biện pháp quyết liệt chống dịch mà Trung Quốc và rất nhiều quốc gia thực hiện là cách ly xã hội và giới nghiêm thành phố, yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế ra ngoài. Tại Trung Quốc, từ những ngày đầu năm 2020, hàng triệu người dân ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Vũ Hán - nơi bùng phát dịch Covid-19 đã buộc phải ở trong nhà nhiều tuần liền và phụ thuộc vào hoạt động mua sắm trực tuyến, giao hàng.

Theo ước tính của Công ty dịch vụ internet Meituan Dianping, kể từ khi dịch bùng phát, ngành kinh doanh giao hàng rau củ, thực phẩm khác tăng hơn 60% tại nhiều thành phố.

Vào thời điểm dịch căng thẳng, tại cửa một khu chung cư ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh được bảo vệ nghiêm ngặt, cứ tầm trưa các ngày trong tuần, luôn có hàng chục người đứng xếp hàng chờ để nhận đồ ăn, nước và hàng hóa từ người giao qua hàng rào. Cô Chen Xiaolin (28 tuổi) làm việc ở nhà suốt cả tháng vì dịch nên thường đặt đồ ăn 2 lần/ngày, chia sẻ: “Dịch vụ giao bữa ăn rất tiện lợi và rẻ. Tôi không mất thời gian phải đi mua hàng, nấu ăn và rửa bát đĩa”.

Việc mua bán và sử dụng tiện lợi là vậy nhưng công đoạn tiêu hủy túi, hộp nhựa sau đó lại vô cùng khó khăn, tốn kém, thậm chí về lâu dài chính người dân phải trả giá.

Vì Bắc Kinh cũng như đa phần các tỉnh/thành khác của Trung Quốc không bắt buộc phải phân loại rác thải nên gần như tất cả mọi người dân như cô Chen đều vứt bừa vỏ hộp vào các thùng rác bên ngoài tòa nhà, nên hiệu quả xử lý rác thải thấp, làm tăng ô nhiễm.

Hiện tại, gần như 97% rác thải đô thị của Trung Quốc đều bị chôn vùi hoặc thiêu đốt. Hầu hết 645 khu chứa rác của nước này đã hoạt động hết công suất và 286 nhà máy đốt rác không đủ năng lực. Chưa kể, trong thời dịch, nhiều trung tâm tái chế cũng gần như phải đóng cửa do các lao động từ ngoại tỉnh phải hạn chế thậm chí là bị cấm di chuyển dẫn đến không có nhân lực để xử lý rác thải và những núi rác cứ vậy chất đống. “Chính xu hướng này làm tăng đột biến lượng rác thải, nhất là những đồ chứa bằng nhựa rất khó tái chế và tiêu hủy”, Giáo sư Huang Qunxing, chuyên nghiên cứu về năng lượng sạch và xử lý chất thải rắn tại Đại học Zhejiang cho biết.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 còn bộc lộ những thiếu sót trong năng lực xử lý rác thải độc hại, bao gồm rác thải y tế của Trung Quốc. Tại Vũ Hán, nơi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện, rác thải y tế đã tăng từ 50 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày và chỉ có một công ty duy nhất tại thành phố này có giấy phép xử lý rác thải y tế. Một số loại rác phải chuyển sang các thành phố khác.

Dịch bệnh cản trở chiến lược môi trường

img
Phân loại, xử lý chất thải hàng ngày tại các điểm thu gom rác để phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam

Thực chất, từ trước khi dịch bùng phát, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm tới việc xử lý rác thải nhưng tất cả mới dừng ở trên giấy tờ. Theo kế hoạch, phải đến cuối năm nay, Bắc Kinh cùng 45 thành phố khác ở Trung Quốc mới xây dựng hệ thống phân loại rác thải bắt buộc.

Nhưng ông Eric Liu, chuyên gia vận động vì Hòa bình xanh, chuyên về nguồn tài nguyên và rác thải “không dám lạc quan, kế hoạch này sẽ được thực hiện theo đúng khung thời gian vì xã hội Trung Quốc hậu Covid-19 chưa thể ổn định lại ngay. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn là tiêu diệt hoàn toàn mầm mống của virus”.

Những chương trình xử lý rác thải cũng như kế hoạch cấm túi nhựa dùng một lần tại các thành phố lớn trong năm 2020 này cũng có thể bị trì hoãn hoặc không thể thực hiện vì dịch Covid-19.

Trước đó, Thượng Hải đã có quy định xử lý rác thải bắt buộc từ mùa hè năm ngoái để thực hiện mô hình thí điểm cho toàn quốc. Thành phố yêu cầu các cộng đồng địa phương đưa rác thải tới điểm phân loại vào một thời gian cụ thể, ở đó có các tình nguyện viên cùng nhân viên chính phủ kiểm tra xem rác thải đã được phân loại chính xác hay chưa. Nhưng, dịch bệnh đã buộc chính quyền địa phương phải dồn lực vào các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, giảm năng lực giám sát và thực thi quy định.

Chưa kể, hệ thống phân loại rác thải ở Thượng Hải còn bị người dân địa phương chỉ trích vì quá phức tạp, khó hiểu với yêu cầu phân loại rác thành 4 loại: Ướt, khô, có thể tái chế và nguy hiểm. Để giám sát việc thực hiện, chính phủ đã cử đội ngũ tình nguyện viên giám sát tại các trạm phân loại và lắp đặt camera để bắt những người vi phạm quy định. Nếu vi phạm người đó có thể bị phạt hoặc trừ điểm xã hội – điểm này có liên quan trực tiếp tới việc vay ngân hàng hay mua vé tàu trong tương lai.

“Về lâu dài, chúng ta cần một hệ thống thay đổi hành vi của người dân thay vì chương trình yêu cầu người dân phải thực thi. Cách thức đó hoàn toàn không phù hợp”, ông Liu từ Tổ chức Greenpeace cho hay.

Xây dựng hệ thống phản ứng khẩn cấp

Chia sẻ trong một cuộc họp báo, ông Zhao Qunying, người đứng đầu Văn phòng khẩn cấp, Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay, có 22 thành phố ở Trung Quốc gặp phải tình trạng các cơ sở xử lý rác thải y tế bị quá tải. Còn 28 thành phố khác, lượng rác chạm tới ngưỡng năng lực xử lý tối đa.

“Điều Trung Quốc có thể rút ra sau cuộc khủng hoảng này, đó là phải xây dựng hệ thống phản ứng khẩn cấp để đối phó trước những tình huống rác thải tăng đột biến, bao gồm cả rác sinh hoạt và y tế”, Giáo sư Huang Qunxing, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng sạch và xử lý chất thải rắn tại Đại học Zhejiang nhận định và cho rằng, chính quyền địa phương có thể mở cửa, khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tham gia vào ngành công nghiệp xử lý rác thải, đặc biệt là khi nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.