Xã hội

Sau họa cá chết, ngư dân lại hồ hởi vươn khơi

08/05/2016, 15:13

Hàng loạt tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… căng cờ trực chỉ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa...

10

Chuyển cá lên bờ tại âu thuyền Thọ Quang

Trên bờ, các giải pháp kiểm soát, tiêu thụ hải sản, kích cầu đưa cá sạch trở lại với bàn ăn của người dân khiến ngư dân tin tưởng vào mùa biển mới.

Không sợ thiếu cá

Sáng sớm, cầu cảng, âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) tấp nập. Anh Hồ Văn Quý (42 tuổi, trú Quảng Bình) - chủ tàu cá QB-92097 TS, quệt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen sạm, chỉ huy cánh bạn thuyền khẩn trương đưa đá vào các máy xay, theo dây chuyền dẫn xuống hầm chứa. Một số khác, tất bật kiểm tra thực phẩm sẵn sàng cho hải trình dài ngày. “Tôi định đi tuần trước nhưng dính ngay trận “đại họa” cá chết. Giờ thì biển sạch, người dân yên tâm ăn cá trở lại rồi, mình cũng tự tin ra khơi đánh bắt”, anh Quý nói và cho hay, tàu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, cách bờ Đà Nẵng khoảng 200 hải lý nên không có chuyện “đánh nhầm” cá nhiễm độc.

7 ngư dân trên tàu anh Quý hướng đôi mắt về phía cửa biển Đà Nẵng. Ai cũng mong một chuyến biển thuận lợi, hiệu quả sau chừng 2 tuần lễ đánh bắt. “Chuyến đi vừa rồi tàu tôi được hơn 10 tấn cá, mực. Nhưng cập bờ đúng dịp cá chết hàng loạt nên bị ép giá. Giá cá nục chỉ bán được 7-8 nghìn đồng/kg, trong khi trước đây có thể bán được 15-20 nghìn đồng/kg. Khó khăn nhưng anh em quyết không bỏ biển. Tôi động viên anh em lấy số lượng để bù giá bán”, anh Quý nói thêm.

Bên cạnh tàu anh Quý, những con tàu khác hàng trăm mã lực cùng xình xịch tiếng chân vịt đạp sóng. Hàng chục ngư dân tất tả đan lưới, sắp sửa trang thiết bị, dụng cụ cho những hải trình vươn khơi. Theo các ngư dân, khoảng thời gian này đang là cao điểm đánh bắt thuận lợi nhất. Hải sản chủ yếu là cá nục suôn, mực dâu, cá ngừ, thu và các loại hải sản có giá trị khác. Chủ tàu cá QB-92089TS (công suất hơn 700CV) Phạm Văn Hậu (trú Quảng Bình) vừa cập cầu cảng số 2 tại âu thuyền Thọ Quang tất bật bán cá cho các đầu nậu, doanh nghiệp thu gom chế biến để chuẩn bị cho chuyến biển mới. “Mỗi chuyến ra khơi tàu tôi chi phí gần 100 triệu đồng. Bình thường với sản lượng cá và giá bán trước khi có “họa”, mỗi bạn thuyền được hưởng 5-6 triệu đồng/chuyến. Nhưng với tình hình hiện nay, chỉ có thể chia 3-4 triệu/ngư dân. Chỉ mong giá hải sản ổn định để thu nhập ngư dân khấm khá hơn”, ngư dân Hậu kỳ vọng.

Là thành viên trong biên đội tàu tổ đội đoàn kết của Đà Nẵng, ngư dân Trần Văn Nở (quê Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90457 sẵn sàng cho chuyến ra khơi kéo dài hơn chục ngày. Ông Nở cho biết, chuyến biển này sẽ khai thác tại vùng biển Hoàng Sa với nguồn hải sản chính là cá ngừ, cá thu… “Trên bờ, Đà Nẵng đã có hàng loạt giải pháp để kiểm nghiệm nước biển, hải sản sạch, đưa cá về với bàn ăn của người dân. Ngư dân chúng tôi cam kết chỉ đánh bắt ở vùng biển xa bờ, đảm bảo tránh xa vùng độc tố. Hoàng Sa, Trường Sa đang vào mùa biển lặng, hoạt động khai thác dễ dàng hơn rất nhiều. Chuyến biển không lo sản lượng, chỉ sợ người dân còn e dè”, ông Nở nói.

Kiểm soát cá sạch, hỗ trợ ngư dân

Tất bật chuẩn bị chuyến biển mới, chủ tàu cá QNg-94497 Nguyễn Kim (trú Quảng Ngãi) hồ hởi: Hàng tấn cá biển cập bờ ngày 1/5 đã được ngành chức năng Đà Nẵng kiểm nghiệm an toàn và xuất bán hết ra thị trường. Đây cũng là lô hàng “hải sản sạch” đầu tiên được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm lấy mẫu kiểm nghiệm, chứng nhận an toàn để Sở NN&PTNT Đà Nẵng tổ chức bán tại 50 điểm “hải sản sạch” trên địa bàn ngày 3/5. Theo bà Kim, ngư dân cam kết đánh bắt ở vùng biển sạch, có thêm giấy chứng nhận an toàn của thành phố nên người tiêu dùng càng tự tin hơn.

Thống kê của Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, số lượng tàu thuyền ngư dân vươn khơi trở lại có xu hướng tăng sau thời gian dài “nằm bờ”. Hiện, mỗi ngày có khoảng 20 lượt tàu thuyền xuất bến. Thành phố triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, cấp bách để kiểm soát, giám sát các hải trình khai thác, chất lượng sản phẩm của ngư dân.

Tương tự tại các cửa biển Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, dập dìu những con tàu công suất lớn của ngư dân bắt đầu cho những hải trình vươn khơi đánh bắt. Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế cho hay: Tỉnh đã hỗ trợ “đầu ra” cho ngư dân, tổ chức kiểm nghiệm sản phẩm ngay tại cảng cá và mở rộng các địa chỉ bán cá sạch cho người tiêu dùng. Những ngày qua, hàng trăm tấn cá đã được xuất bán. Thị trường hải sản rục rịch tăng trở lại. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính vừa trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng tăng cường giải pháp hỗ trợ ngư dân, “mở biển” trở lại.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết: Thành phố đang “chuẩn hóa” các công tác kiểm soát hải sản bằng các văn bản, giấy tờ chứng nhận cụ thể. Theo đó, tàu thuyền khi ra khơi đánh bắt được Sở NN&PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng giám sát hải trình. Sản phẩm mang về sẽ được kiểm nghiệm trước khi xuất bán cho người dân. Quy trình khép kín này đảm bảo cung cấp đến tay người tiêu dùng hải sản sạch, an toàn.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra văn bản chỉ đạo ngành chức năng xác định các vùng biển không có nghi ngờ về ô nhiễm nguồn nước; Xác lập quy định, quy trình để quản lý chặt chẽ các nguồn hải sản nhập vào Đà Nẵng đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Ngày 5/5, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay: Thành phố tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển hàng ngày và cho kết quả an toàn, đảm bảo mục đích khai thác, tắm biển, các hoạt động dưới nước. 

BIDV dành 1.500 tỷ đồng hỗ trợngư dân 4 tỉnh miền Trung

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy, hải sản tại 4 tỉnh miền Trung có hiện tượng cá chết hàng loạt là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp 500 tỷ đồng; Cá nhân, hộ gia đình 1.000 tỷ đồng; lãi suất ngắn hạn 6%/năm; Trung dài hạn 8%/năm, triển khai từ ngày 4/5.

Ngoài ra, đối với khách hàng đã vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, BIDV miễn toàn bộ lãi trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 8/4 đối với các khoản vay của bà con ngư dân là chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu, đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác. Đối với khách hàng bị thiệt hại (trực tiếp, gián tiếp), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng 1-3 tháng từ 8/4; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ)...

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.