Thị trường

Sau lùm xùm “đa cấp”, BBI Mall ra tuyên bố Shark Hưng đã thoái vốn

13/12/2019, 20:16

Sau lùm xùm hoạt động không giấy phép và “trá hình đa cấp”, BBI Mall ra tuyên bố Shark Hưng đã thoái vốn, không còn là “nhà đầu tư thiên thần”.

img
Tháng 3/2019, shark Hưng nhận định: "Việc cash back sẽ giúp BBI hướng đến một công ty fintech và nếu có cổng thanh toán trực tiếp thì giá trị của BBi có thể đạt đến vài tỷ USD thậm chí 10 tỷ USD”.

Ứng dụng BBI Mall bị lên án chưa được cấp phép, hoạt động dưới danh nghĩa sàn giao dịch tiện ích mua sắm online. Tuy nhiên, trên thực tế đã diễn ra hàng loạt các hoạt động được cho là biến tướng “đa cấp”.

Một câu hỏi lớn đặt ra là Shark Hưng, một người từng nhận định BBI Mall là mô hình có thể đạt tới giá trị cả tỷ USD đang ở đâu?

Trước lùm xùm của dư luận, hôm nay (13/12), BBI Mall đã ra thông cáo báo chí thừa nhận một số yếu tố chưa phù hợp với các quy định của pháp luật và khẳng định BBI Mall là mô hình ứng dụng thương mại điện tử cho phép kết nối cộng đồng mua sắm, tiêu dùng trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Điều đặc biệt, trong thông cáo báo chí có nêu: Shark Hưng là nhà đầu tư thiên thần của công ty trong giai đoạn start-up. Tuy nhiên, đến nay Shark Hưng đã thoái vốn, không còn liên quan đến BBI Việt Nam.

​​Trước đó, phát biểu của Shark Hưng trong lễ ký kết hợp tác với BBI Việt Nam đã khiến cá mập này đang trở thành tâm điểm của những người dính “phốt” nặng: “Việc cash back sẽ giúp BBI hướng đến một công ty fintech và nếu có cổng thanh toán trực tiếp thì giá trị của BBi có thể đạt đến vài tỷ USD thậm chí 10 tỷ USD”.

Theo thông tin từ báo chí, BBI Mall (ứng dụng BBI Mall) do CTCP Công nghệ Internet BBI Việt Nam thành lập, thực hiện, hoạt động và vận hành. Theo chia sẻ, BBI Mall là một ứng dụng mua sắm kết nối người bán và người mua, cho phép tích điểm lên đến 100% giá trị sản phẩm. BBI Mall cho biết sau khi mua sắm mỗi ngày người dùng được 0,05% giá trị tích điểm được chuyển vào ví chuyển đổi, sau khi ví chuyển đổi đạt 500.000 đồng tích lũy thì có thể được rút về ngân hàng. Người dùng mua sắm càng nhiều cash back nhận về càng lớn.

Tuy nhiên hoạt động của công ty bị biến tướng dưới nhiều hình thức…

Theo ghi nhận, từ chia sẻ của một mắt xích trong BBI trên mạng, khi khách hàng mua sắm trên App BBI sẽ được doanh nghiệp (người bán) chiết khấu % nhất định, tối thiểu 1% giá trị sản phẩm. BBI Mall sẽ lấy số tiền đó và thanh toán cho người tiêu dùng gấp 8 lần nếu tài khoản BBI hạng thường còn nếu là tài khoản bạch kim thì được trả theo cơ chế 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm). Tuy nhiên giao dịch mua bán này là thỏa thuận nên người chơi lách luật bằng cách mỗi người tự tạo 2 tài khoản, một tài khoản người bán và 1 tài khoản người mua. Không có hàng thật được trao đổi trên BBI Mall.

Theo phóng sự của Báo Lao động, chị P với tư cách là người bán chuyển trực tiếp khoản hoa hồng 40 triệu đồng (tương đương 10% giá trị đơn hàng) vào tài khoản ngân hàng của BBI Việt Nam, với bên mua, chị này được tích 400 triệu điểm trên ứng dụng. Theo quảng cáo của BBI, số điểm kia được chuyển đổi thành tiền mặt theo tỷ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về cho chủ tài khoản cho đến khi hết số điểm tích lũy. Tính ra với 40 triệu đồng "đầu tư", chị P. sẽ được tích 400 triệu điểm và sau 12 tháng sẽ thu về tổng cộng hơn 73 triệu đồng, tương ứng với lãi suất 180%/năm. Chưa kể việc ở trong vai người bán, chị cũng vẫn sẽ BBI trả số điểm tương đương với khoản hoa hồng nộp vào là 40 triệu điểm. Nếu tính cả 2 khoản này, sau 1 năm, chị P. nhận về 80 triệu đồng - tương đương lãi suất 200%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.