Chính trị

Sau một năm thực hiện tinh giảm bộ máy: Giảm gần 10.000 cán bộ lãnh đạo

11/03/2019, 12:54

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư ​​​​​​về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, đã giảm gần 10.000 cán bộ lãnh đạo...

img
Bộ Công an được đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư
​​​​​​về sắp xếp bộ máy

Đến nay, 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy; 61/66 ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan T.Ư đã gửi báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) về Ban tổ chức T.Ư. Các báo cáo này đều nêu rõ những việc làm được, những việc đang triển khai, những việc chưa làm được theo Nghị quyết của T.Ư, Kế hoạch của Bộ Chính trị.

Giảm cả vạn lãnh đạo, tiết kiệm chi thường xuyên

Theo Ban tổ chức T.Ư, đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư (với 4 đầu mối cấp vụ) về Ban Nội chính T.Ư và tổ chức lại thành một đầu mối cấp vụ. Đến nay, cơ bản hoàn thành sắp xếp, bố trí công việc mới phù hợp hoặc thực hiện chế độ, chính sách đối với 168 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và công chức, người lao động sau khi kết thúc hoạt động 3 Ban Chỉ đạo.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 16 về tổ chức QĐND Việt Nam đến năm 2021. Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua và triển khai giải thể, tổ chức lại 4 Ban QLDA; giải thể hoặc điều chuyển nhiệm vụ quân sự cho phù hợp (giải thể 14 lữ đoàn công binh dự bị động viên thuộc 7 tổng công ty); sắp xếp lại và cổ phần hóa 88 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, chỉ còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 22 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy từ T.Ư đến cơ sở. Kết quả, Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục; 55 cục, vụ và tương đương; 819 phòng và tương đương; gần 1.000 đội (chưa kể các bệnh viện, học viện, trường CAND). Về cán bộ, cơ quan Bộ giảm 35 cán bộ lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và tương đương; các địa phương giảm 14 giám đốc cảnh sát PCCC cấp tỉnh, 174 trưởng phòng và tương đương, 524 đội trưởng và tương đương.

Về kết quả tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, Ban Tổ chức T.Ư cho biết, đến nay đã giảm 3 cơ quan T.Ư; 7 tổng cục và tương đương; 195 cục, vụ và tương đương (trong đó 118 vụ, cục thuộc tổng cục); 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 6.934 phòng và tương đương.

Về số lượng lãnh đạo quản lý, giảm 11 lãnh đạo cấp tổng cục, 171 lãnh đạo cấp vụ (trong đó, 36 lãnh đạo vụ, cục thuộc tổng cục); 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 9.223 lãnh đạo phòng và tương đương.

Về biên chế do sắp xếp lại tổ chức, đã giảm được 60.656 biên chế. Tính chung đến nay, cả nước đã giảm hơn 132.000 người (giảm 3,54%) so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Các địa phương đã xây dựng đề án, kế hoạch sắp xếp thôn, tổ dân phố. Đến nay, 22 địa phương đã thực hiện hợp nhất, kết quả giảm 16.994 thôn, tổ dân phố.

Theo Ban Tổ chức T.Ư, kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ trọng chi thường xuyên năm 2018 của cả nước còn 63,3%, giảm 1,6% so với năm 2017 (mặc dù vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm), góp phần giảm mạnh nợ công từ mức 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% GDP năm 2018.

Còn cán bộ ngại đổi mới, “ngó trước, ngó sau”

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, thời gian qua, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nhiều nơi còn chuyển biến chậm. Một mặt, do quyết tâm chính trị chưa cao, còn cầu toàn, ngại va chạm. Mặt khác, do lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác quan trọng này.

Đặc biệt, có những cơ quan sau khi sắp xếp lại, nhất là khi sáp nhập đã bộc lộ những bất cập về cơ chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và sự thiếu chuẩn bị về tâm thế cũng như những điều kiện khác nên hiệu quả chưa rõ nét. Cùng với đó, còn một bộ phận cán bộ ngại đổi mới, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo ông, công tác tổ chức bao gồm nhiều khâu và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo hay bỏ sót nhiệm vụ, đến việc sắp xếp lại bộ máy tinh gọn trên cơ sở xác định vị trí việc làm. Đi liền với đó là phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý cán bộ theo hướng “trực tiếp, hiệu quả nhất” gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Theo đánh giá của Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, thời gian qua nhiều địa phương đã chủ động tích cực, thực hiện có hiệu quả nhưng vẫn có địa phương chậm, cầu toàn, trong triển khai còn “ngó trước, ngó sau”. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; một số cơ quan chưa chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện; còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, có tư tưởng chờ cấp trên chỉ đạo mới làm… Ngược lại, cũng có nơi làm quá mạnh, nóng vội, chưa đúng quy định hiện hành hoặc nếu không tính toán cẩn thận có thể dẫn đến nhập vào rồi lại tách ra.

Ông cũng lưu ý đi đôi với việc siết chặt công tác cán bộ thì phải ủng hộ sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, tránh tình trạng siết chặt lại “không ai dám làm”. Nhiệm vụ tới đây, theo ông Chính là việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ phải thật chính xác, nhất là công tác đánh giá cán bộ phải trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan. Ông Chính cũng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ xây dựng đề án vị trí việc làm, bởi có làm rõ nội dung này thì mới biết cần bao nhiêu biên chế, mô tả được khung năng lực, cần con người thế nào và mới trả lương theo năng lực, công việc của từng vị trí.

♦ Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ, Trưởng ban Tổ chức tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Khoẻ cho rằng, cần xem xét việc không có ai tín nhiệm thấp dưới 50%. Cho rằng trong việc này còn có sự nể nang, “cấp dưới nịnh cấp trên”, ông Khỏe đánh giá vẫn còn tình trạng “duy tình” nên hầu hết người đứng đầu đều có phiếu tín nhiệm rất cao. “Nếu tiếp tục cách thức này cần cụ thể hóa hơn nữa để chủ thể đánh giá, cách thức lấy phiếu đảm bảo bí mật, để các cơ sở có khả năng phản ánh tất cả thực tế và dám nói thẳng”, ông Khoẻ kiến nghị.

♦ Về giải pháp trong thời gian tới, Ban Tổ chức T.Ư kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm về nhất thể hóa tổ chức, nhất thể hóa chức danh; mô hình cơ quan, giúp việc phục vụ chung khối đoàn thể, mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung... để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước.
Kiến nghị Chính phủ đánh giá, xác định lại số biên chế được giao năm 2015 của các tỉnh, thành phố và tiến hành điều tiết số lượng cho phù hợp để việc bảo đảm công bằng giữa các địa phương khi thực hiện tinh giản biên chế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.