Vận tải

Sau nới lỏng giãn cách, vận tải hàng hóa nhiều tỉnh ở miền Tây ra sao?

06/09/2021, 22:28

Sau khi một số địa phương ở miền Tây nới lõng giãn cách xã hội, hoạt động vận tải hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh cũng được hướng dẫn cụ thể.

Cà Mau tiếp tục tạm dừng nhiều hoạt động, hạn chế người dân ra đường sau 21h

Ngay khi quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ (từ 0h ngày 7/9/2021), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo vẫn tạm dừng nhiều hoạt động.

Cụ thể, đó là các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quán bar, vũ trường, karaoke, phòng game; rạp chiếu phim; massage; cơ sở dịch vụ làm đẹp (tiệm cắt tóc, uốn tóc);… các hoạt động văn nghệ, thể thao có tập trung trên 10 người; chợ đêm, chợ tự phát; hoạt động vận tải hành khách công cộng…

img

Chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến QL1 qua địa phận tỉnh Cà Mau.

Các dịch vụ kinh doanh ăn uống không sử dụng rượu, bia phải thực hiện nghiêm nguyên tắc mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m.

Riêng địa bàn các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Tân Xuyên; xã Lý Văn Lâm, xã Tắc Vân, một phần xã Định Bình (phần tiếp giáp với QL1, đoạn từ xã Tắc Vân đến phường 6) thuộc TP Cà Mau và các thị trấn thuộc các huyện chỉ được bán mang về.

Hoạt động giao, nhận hàng hóa bằng xe (kể cả xe 2 bánh), phương tiện thủy chỉ được hoạt động trong phạm vi huyện hoặc thành phố và chỉ được vận giao gas, nước lọc (loại bình lớn), cung cấp giống, vật tư, thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, vật tư phục vụ xây dựng công trình, thu mua, thu hoạch nông sản.

Khi có nhu cầu vận chuyển phải được Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy đi đường và định kỳ xét nghiệm 3 ngày/lần.

Trường hợp muốn vận chuyển sang địa bàn huyện, thành phố khác thì phải được Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó (nơi đến) đồng ý bằng văn bản.

Đối với việc di chuyển, đi lại hàng ngày, người dân chỉ được lưu thông trong phạm vi nội huyện hoặc thành phố (trừ bệnh tật, cấp cứu và các trường hợp khẩn cấp khác).

Từ 21h hôm trước đến 4h ngày hôm sau mọi người dân không được ra đường; trừ những trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép…

“Tuyệt đối không để người dân vào tỉnh mà không được kiểm tra, giám sát; quản lý chặt người điều khiển phương tiện, người phụ lái, người áp tải hàng hóa trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, dừng, đỗ, lên xuống hàng hóa và việc lưu trú lại tại tỉnh Cà Mau”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

img

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu tuần tra lưu động trên tuyến QL Nam Sông Hậu qua TP Bạc Liêu.

Vận tải nội tỉnh Bạc Liêu không bắt buộc thay lái xe hoặc sang hàng tại chốt

Ông Nguyễn Trường Hận, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với hoạt động vận tải hàng hóa nội tỉnh bằng ô tô khi vận chuyển hàng hóa, yêu cầu lái xe và người theo xe phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K.

Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu di chuyển ra/vào địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 16, không có Giấy nhận diện hoặc Giấy nhận diện hết hiệu lực? Khi đó, người lái xe và người theo xe phải có Giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.

Đồng thời, lái xe và người theo xe không rời khỏi cabin; khi lên/xuống hàng xong phải quay đầu xe rời ngay khỏi địa bàn; không yêu cầu bắt buộc thay lái xe hoặc sang hàng tại khu vực chốt kiểm soát.

Lái xe cũng phải xuất trình phương án vận chuyển hàng hóa đường bộ khi qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của các địa phương và không phải cấp thêm Giấy đi đường.

Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nội tỉnh di chuyển trong nội bộ của các địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 15, lái xe chỉ cần xuất trình phương án vận chuyển hàng hóa đường bộ khi qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của các địa phương và không phải cấp thêm Giấy đi đường.

Trước đó, chiều 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều ký quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ. Thời gian áp dụng từ 3h ngày 6/9/2021 đến 10h ngày 13/9/2021.

Cụ thể, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với 6 phường, gồm: 1, 2, 3, 5, 7 và 8 của TP Bạc Liêu.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ đối với các địa bàn còn lại của tỉnh Bạc Liêu.

Đó là phường Nhà Mát và các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông của TP Bạc Liêu và toàn bộ địa bàn các huyện, gồm: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải và thị xã Giá Rai.

img

Một chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào địa bàn TP Sóc Trăng.

Sóc Trăng vận tải nội tỉnh theo vùng nguy cơ, liên tỉnh hạn chế dừng đỗ, tiếp xúc người khác

Theo Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng (trong thời gian thực hiện Quyết định 2093 của UBND tỉnh Sóc Trăng) tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ; xe chở bệnh nhân đi cấp cứu; các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Các phương tiện vận chuyển có hành trình đi qua tỉnh Sóc Trăng không được dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa trong tỉnh, yêu cầu người điều khiển phương tiện, người theo xe khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc.

Đối với mức “Bình thường mới” (vùng xanh) hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất được lưu thông qua lại giữa các vùng xanh với nhau.

Mức “nguy cơ” (vùng vàng) và mức “nguy cơ cao” (vùng cam), hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất được lưu thông nhưng phải đảm bảo các quy định.

Cụ thể, có đăng ký và thực hiện đúng lộ trình di chuyển; chỉ cho phép vận tải hàng hóa bằng xe tải, xe ô tô qua chốt kiểm soát. Việc di chuyển để thu hoạch, vận chuyển nông sản thực hiện theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.

Đối với mức “Nguy cơ rất cao” (vùng đỏ) việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của các hộ dân trong vùng đó phải được quản lý chặt và tổ chức giao nhận tại chốt kiểm soát; lái xe và người giao hàng không được vào vùng đỏ.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh yêu cầu người điều khiển phương tiện, người theo xe khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc.

Xe vận tải hàng hóa di chuyển liên tỉnh có thể nhận diện phương tiện do Sở GTVT cấp hoặc giấy vận tải do đơn vị tự phát hành theo quy định của Nghị định10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ thực hiện đúng lộ trình di chuyển (điểm đi - điểm đến).

Các đơn vị kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện hoạt động kinh doanh theo quy định.

Các chủ công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa đường dài phải quản lý chặt chẽ lịch trình di chuyển của lái xe và người theo xe; khi giao hàng hóa từ ngoài tỉnh trở về phải tổ chức cách ly riêng.

Tuyệt đối không được đi lại trong cộng đồng (chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa “1 cung đường 2 điểm đến”), không được tiếp xúc với người khác.

Lái xe và người đi theo xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72h tính đến thời điểm kiểm tra.

Xe vận chuyển hàng hóa có hành trình xuyên ngang địa phận tỉnh Sóc Trăng được lưu thông theo lộ trình “luồng xanh” Quốc gia trên 4 tuyến: QL1, Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL60 và QL Nam Sông Hậu; không được dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đơn vị vận tải, lái xe và người đi cùng theo xe tham gia hoạt động trên “luồng xanh” phải thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan.

Cần Thơ: Không còn phải sang hàng

Hiện tại Cần Thơ vẫn đang giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 8/9. Đối với xe vận chuyển hàng trong phạm vi TP, tài xế cần có test âm tính, Giấy đi đường và hóa đơn giao/nhận hàng.

Theo hướng dẫn của Sở GTVT Cần Thơ, từ ngày 4/9, đối với xe vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn TP, sẽ giải quyết cho qua khi các xe này cung cấp đủ các loại giấy tờ. Đó là giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code, hợp đồng vận tải, giấy vận chuyển, giấy xác nhận nơi đi và nơi đến của đơn vị vận tải hàng hóa... để chứng minh được nơi giao, nhận hàng không thuộc địa bàn TP.

Đối với luồng xanh xe vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác vào TP hoặc vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ đến các địa phương khác và trở về, lực lượng kiểm soát sẽ quét mã QR. Và lực lượng sẽ cho qua khi đầy đủ thông tin theo quy định, không phải sang hàng hoặc đổi tài xế như trước đây.

Trường hợp mã QR thể hiện thông tin không đầy đủ, xe chỉ được giải quyết cho qua chốt khi người trên phương tiện xuất trình các loại giấy tờ bao gồm giấy xét nghiệm Covid-19 của người trên phương tiện, giấy phép lái xe của tài xế, căn cước công dân đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo.

Đồng thời, người trên phương tiện phải tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm tại địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng "luồng xanh".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.