Xã hội

Vụ 42 người chạy khỏi casino ở Campuchia: "Gửi tiền chuộc lại bị đòi thêm"

23/08/2022, 11:49

Nhiều người trong số 42 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia cho biết, họ bị giam lỏng, khi gia đình chuyển tiền chuộc, chúng lại vòi thêm...

Những người mơ "việc nhẹ, lương cao"

Liên quan vụ 42 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, chiều 22/8, ông Lê Hồng Quang, Bí thư tỉnh An Giang đã có chuyến kiểm tra đột xuất, khảo sát thực địa tình hình biên giới trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang.

img

Ông Lê Hồng Quang (áo xanh, bìa trái) Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh An Giang khảo sát tuyến biên giới.

Tại đây, ông Lê Hồng Quang đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Cục Hải quan tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện An Phú cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống tội phạm, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới...

Trước đó, vào khoảng 9h45 ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đóng tại khóm Tân Khánh (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ 40 người.

Họ từ casino Rich World (thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi (hay còn gọi là Bình Di) nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Những người này khai nhận phần lớn họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino Rich World.

Một số khác trước đó đã làm việc tại các Casino ở phía Campuchia do người Trung Quốc quản lý ở đối diện các tỉnh Tây Ninh, Long An. Sau đó, họ được chuyển về casino Rich World làm việc.

Hằng ngày, những người này làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino người Trung Quốc.

Do làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương nên nhóm người này đã thống nhất và bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam...

Nhiều gia đình gửi đơn cầu cứu

May mắn được trở về với gia đình, em N.T.T. (SN 2000, ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), cho biết, tin vào lời hứa hẹn việc nhẹ, lương cao, em nhận lời sang Campuchia. Tuy nhiên, khi sang đến đây, em mới biết mình bị lừa.

“Công ty đó làm về game và cũng lừa đảo người khác làm việc nhẹ lương cao. Công ty đó giam lỏng tôi và bảo là có tiền mới được về với giá 2.500 USD”, T. kể lại.

img

Hình ảnh các nạn nhân tháo chạy khỏi casino. Ảnh cắt từ clip

Còn em N.Q.C (SN 2005, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, sau khi lên mạng xã hội tìm việc, em được các đối tượng làm sẵn passport rồi đưa sang Campuchia.

Khi C. có ý định muốn quay về Việt Nam, các đối tượng yêu cầu gia đình em phải đưa tiền chuộc.

“Họ kêu bảo vệ còng tôi vào giường và kêu tôi liên hệ với ba mẹ tôi nói chuyện để lo tiền… Ba mẹ tôi đã chuyển hết 160 triệu nhưng chúng lại đòi chuyển thêm 200 triệu nữa.

Nhưng tôi biết gia đình không còn đủ khả năng chuyển tiền nữa, nên tôi không đồng ý và bọn chúng đã bán tôi vào công ty khác”, C. bàng hoàng kể.

Do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, ngày 30/5/2022, em N.T.T. (SN 2000, cư trú TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) lên mạng tìm việc làm. Theo đó, T. nhận được lời giới thiệu làm phu xe mỗi ngày đi 2 chuyến đưa người qua lại Campuchia với số tiền 5.000.000 đồng/chuyến.

Làm theo hướng dẫn của các đối tượng, sáng 1/6/2022, T. đến TP.HCM và được 1 xe ô tô 7 chỗ đưa sang Campuchia. Tuy nhiên, khi đến nơi, công việc của T. lại không giống như thỏa thuận.

T. chia sẻ: “Qua đó, lúc vô tới công ty, có chị thông dịch viên nói là: “Các em qua đây thì xác định các em đã bị bán rồi”. Lúc đó tôi mới biết là mình đã bị lừa và mình đã bị bán cho công ty.

Công ty đó làm về game và cũng lừa đảo người khác làm việc nhẹ lương cao. Công ty đó giam lỏng tôi và bảo là có tiền mới được về với giá 2.500 USD”...

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang, công an đã tiếp nhận 7 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia.

Ngày 23/8, thông tin báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết tỉnh Kandal có 8 casino, trong đó có 1 đã tạm dừng do Covid-19. Những casino còn lại hoạt động rất mạnh và sử dụng nhiều lao động Việt Nam và các nước khác.

Công an tỉnh Kandal đang phối hợp rất chặt chẽ với Công an tỉnh An Giang, thường xuyên trao đổi thông tin, tiến hành rà soát lại tất cả các công dân không có giấy tờ hợp pháp để trao trả người cho Đại sứ quán.

img

Casino Rich World

Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 9h45 ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21, phát hiện, bắt giữ 40 người trong đó có 35 nam, 5 nữ, từ Casino Rich World (tỉnh Kandal, Campuchia), bơi sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

img

Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh tại cơ quan công an

Qua điều tra, khai thác nhanh những người này cho biết, hầu hết đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia họ làm việc tại casino Rich World.

Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, trả lương, nên họ đã thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Trong quá trình bơi qua sông, có 1 người bị đuối nước, tử vong, 1 người bị bảo vệ của casino bắt giữ trở lại. Hiện đã được can thiệp và bàn giao cho Đại sứ quán.

Qua điều tra, mở rộng vụ án, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988, cùng ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.