Giao thông

SBIC đã cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài

01/10/2014, 16:02

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) phải tăng tốc thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu, xử lý tài chính, sắp xếp doanh nghiệp.

Với việc tái cơ cấu lao động, riêng trong 8 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm được 2.840 ngườiẢnh: Hoài Lâm
Với việc tái cơ cấu lao động, riêng trong 8 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm được 2.840 người


Mục tiêu sống còn là cổ phần hóa


Tại cuộc họp đánh giá tiến trình tái cơ cấu SBIC hôm qua (30/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá SBIC đã có những cố gắng nhưng tái cơ cấu còn chậm.

Về tình hình tái cơ cấu nợ của SBIC, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC cho biết, đến nay đã cơ bản cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài. Nợ trong nước giai đoạn 1 cũng đã cơ bản hoàn tất. Hiện, Tổng công ty đang tiếp tục cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính và nợ nhà thầu.


“Theo kế hoạch, đến tháng 10/2014, SBIC cũng sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu lao động. Tính đến ngày 29/9, số lao động còn lại của toàn Tổng công ty là 17.773 người, trong đó của Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại chỉ còn 6.002 người. Như vậy, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm được 2.840 lao động. Nếu tính từ năm 2010 đến nay, thông qua việc tái cơ cấu lao động đã giảm tới hơn 36 nghìn người”, ông Tuấn nói.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao đề xuất tham gia lĩnh vực phá dỡ tàu biển của SBIC và đề nghị đơn vị này sớm chuẩn bị cơ sở vật chất, con người để thực hiện. SBIC cần chắt chiu từng cơ hội để giải quyết những khó khăn về kinh doanh, tập trung các biện pháp tái cơ cấu để hoàn thành mục tiêu CPH và thực hiện kế hoạch 5 năm tới.

Thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, SBIC đã giảm được 23 đầu mối thông qua các biện pháp như: Giải thể (5 đơn vị), chuyển nhượng vốn (11 đơn vị) và tái cơ cấu theo các hình thức khác (7 đơn vị). Như vậy đến nay, SBIC đã giảm đầu mối được 82 đơn vị. SBIC cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu 190 doanh nghiệp nữa, trong số này còn khoảng 20 đơn vị Tổng công ty sở hữu dưới 20% vốn điều lệ. Đối với các đơn vị này, SBIC đã báo cáo Bộ GTVT cho phép đưa ra khỏi danh sách phải tái cơ cấu và sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn.

Về tình hình triển khai cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp, đến nay SBIC đã thực hiện theo đúng lộ trình. Dự kiến, sẽ có ba đơn vị hoàn thành các thủ tục CPH doanh nghiệp trong năm 2014, gồm: Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen. Hiện cả ba đơn vị này đã trình phương án hoặc họp bàn về phương án CPH. Riêng Công ty đóng tàu Hạ Long đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, chờ phê duyệt.


Đối với 6 đơn vị còn lại gồm: Bạch Đằng, Phà Rừng, CNHH Sài Gòn, CNTT Sài Gòn, Cam Ranh, Thịnh Long, Tổng công ty đang phấn đấu sẽ hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp trong năm 2014.


Theo ông Vũ Anh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT): “Để hoàn thành mục tiêu CPH, Tổng công ty cần tăng cường để hoàn thành việc tái cơ cấu, phá sản, sắp xếp lại doanh nghiệp trong năm nay. Đặc biệt là việc xây dựng các phương án xử lý tài chính. Dù Công ty đóng tàu Hạ Long đã xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng phần vốn Nhà nước bị âm nên sẽ phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phương án xử lý”.

Vẫn khó hoàn thành kế hoạch


Theo báo cáo mới nhất của SBIC, từ đầu năm đến nay, toàn Tổng công ty đã bàn giao được 36/71 tàu (đạt 50,7% kế hoạch) với giá trị ước đạt 156 triệu USD. Trong số này có 13 tàu được xuất khẩu với giá trị ước đạt 13,26 triệu USD. Về tổng giá trị sản xuất, trong 9 tháng năm 2014, SBIC đã thực hiện được 3.726 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đóng tàu ước đạt 2.762 tỷ đồng, còn lại là các lĩnh vực sửa chữa, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực kinh doanh khác.


Tuy nhiên, đánh giá về khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng sẽ khó đạt. Nguyên nhân là do Công ty đóng tàu Sông Cấm không kịp bàn giao tàu Bạch Long Vỹ và 5 tàu khác làm cho số tàu bàn giao của Sông Cấm giảm từ 34 tàu theo kế hoạch xuống 28 tàu.


Cùng với đó, Công ty đóng tàu Hạ Long doanh thu sản xuất năm 2014 dự kiến giảm 95 tỷ đồng so với kế hoạch. Đối với Công ty CNTT Phà Rừng, do chủ đầu tư dự án Posco hủy hai hợp đồng gia công đã ký với đơn vị nên chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Hiện, đơn vị này đang tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức thanh lý các sản phẩm dở dang, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2014.

Tiến Mạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.