Chậm thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ vì đâu?
Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thiện dự thảo Tờ trình Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo con số cập nhật mới nhất, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 68, tổng cộng các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ cho trên 13,5 triệu NLĐ và đối tượng khác, trên 375.800 người sử dụng lao động với khoảng trên 8.000 tỷ đồng.
Tới nay, sau 2 tháng thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đã giải ngân được khoảng 8 nghìn tỷ đồng
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.
Ngoài nguyên nhân giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, NLĐ và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương; Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý; Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.
“Một số địa phương đã ban hành kế hoạch nhưng chưa khẩn trương tổ chức thực hiện hoặc triển khai ở mức độ thấp; các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do, tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ….”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Ngoài ra, một số quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Đơn cử, điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1;…
Mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hoá thủ tục
Trước những vướng mắc, khó khăn khi triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68, và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23, theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và NLĐ được hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, đề xuất mở rộng nhóm thụ hưởng là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng, có đóng BHXH tại các cơ sở có địa điểm phải ngừng hoạt động vì áp dụng Chỉ thị 16, hoặc phải bố trí lại sản xuất để phòng dịch. Quy định hiện hành chỉ áp dụng cho cơ sở, DN phải ngừng hoạt động theo quyết sách chống dịch của chính quyền.
Theo đó, nhóm đối tượng bổ sung này cũng được hỗ trợ một lần như sau: Bị tạm hoãn nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người. Bị ngừng việc nhưng không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ 1 lần 3.710.000 đồng/người.
Ngoài ra, trong trường hợp NLĐ phải điều trị Covid-19 từ ngày 1/5 đến hết năm 2021 cũng được bổ sung hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Liên quan tới điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho NLĐ, đề xuất DN có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020, thay vì mức giảm 10% như hiện hành.
Đối với chính sách cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Ngoài ra còn bổ sung đối tượng cho vay là người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16.
Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong gói 26 nghìn tỷ như sau: “Ngân sách trung ương hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận