Thời sự

Sẽ cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương

13/10/2016, 15:45

Chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày đang bục dần, cần được thay thế nhanh chóng.

4

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Thay đổi quan điểm cải cách tiền lương

Phát biểu khai mạc hội thảo về cải cách tiền lương do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 12/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay. Đồng thời, làm rõ mối liên hệ giữa cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đối với các vấn đề đặt ra hiện nay như sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác cải cách hành chính; đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các chính sách có liên quan.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Thời gian qua, cải cách chính sách tiền lương luôn được quan tâm giải quyết, tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức. “Chính sách tiền lương, chế độ tiền lương của chúng ta đã trải qua bốn đợt cải cách. Qua mỗi lần thì chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên một bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức”, ông Tuấn nói và cho rằng, thời gian qua chúng ta vẫn đi theo tư duy nhận thức cũ là cải cách tiền lương phải có nguồn. Vì thế, trước hết phải thay đổi nhận thức, quan điểm gắn với bối cảnh thực tế hiện nay.

Cứ hỏi “tiền đâu” là lại dừng cải cách

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định, hiện nay, tiền lương công chức không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực. Lương thấp khiến các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, dễ bị tổn thương, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, hiện đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, ông Phúc cho rằng, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.

Tại hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để cải cách toàn diện về tiền lương, ông Lợi cho rằng, chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ quyết tâm cao giải quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị Nhà nước hay tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo.

“Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương nhưng cứ hỏi tới “tiền đâu” thì lại dừng ngay. Đây là một thách thức mà chúng ta phải vượt qua”, ông Phúc nhấn mạnh và cho rằng, cần có bước đi cụ thể trong quá trình tiền tệ hoá tiền lương. Các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn. Đồng thời, phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức biên chế Nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các DN Nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thảo, Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực (Đại học Nội vụ Hà Nội), việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước, đồng thời thu nhập người lao động không thực sự được cải thiện.

Ông Thảo cho rằng, cách xác định mức lương tối thiểu chung hiện nay bị phụ thuộc ngân sách Nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, hệ số trung bình của lương quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ công chức. Điều này dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương. Thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước. “Tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính“, ông Thảo đánh giá.

Trong khi đó, TS. Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày đang bục dần. Nó cần được thay thế nhanh để thay đổi diện mạo của một con người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.