Xã hội

Sẽ có phương án tái sản xuất trong "bình thường mới" cho mỗi ngành nghề

27/09/2021, 19:52

Phương án tái sản xuất an toàn vừa đảm bảo chống dịch Covid-19 trong tình trạng “bình thường mới” sẽ được ban hành cho mỗi ngành nghề...

Chiều 27/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho biết đơn vị này đang khảo sát, đánh giá tác động để đưa ra phương án tái sản xuất an toàn vừa đảm bảo chống dịch Covid-19 trong tình trạng “bình thường mới”.

“Hiện chúng tôi đang làm việc với DN và chuyên gia để sớm ban hành phương án, quy trình tái sản xuất cho các ngành nghề theo hướng cuốn chiếu, tới đâu sẽ đề xuất ban hành ngay để đưa về các địa phương tập huấn hướng dẫn thực hiện”, ông Thơ cho biết.

img

Dệt may sẽ là một trong số ngành nghề được ưu tiên sớm có phương án tái sản xuất an toàn phòng chống dịch Covid-19

Theo ông Thơ, trước mắt sẽ ưu tiên hướng dẫn các ngành nghề cấp thiết, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thuỷ sản, du lịch…

“Nhìn chung, phương án tái sản xuất an toàn phải tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo tại địa phương, tiếp theo mới là các tiêu chí phòng ngừa sự cố gây mất an toàn lao động, đảm bảo môi trường sản xuất… Đặc biệt với người lao động, sau thời gian dài nghỉ dịch, nhiều nơi phải tuyển dụng lao động mới, do vậy công tác đào tạo tay nghề, huấn luyện ra sao cũng sẽ được nêu trong phương án sao cho phù hợp trong tình hình mới”, lãnh đạo Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, cho hay.

Liên quan tới chi phí thực hiện phương án tái sản xuất của DN, đơn vị soạn thảo phương án tái sản xuất cũng hết sức lưu ý.

“Song song với quy định đảm bảo an toàn, kịp thời, phù hợp, biện pháp thực hiện sao cho tiết kiệm, hiệu quả để phù hợp với sức khoẻ của DN hiện nay. Kèm theo đó cũng sẽ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Thơ nói và cho biết thêm: “Việc hỗ trợ sẽ không cần lấy tiền từ ngân sách, mà huy động nguồn lực sẵn có để chi trả trực tiếp cho DN và người lao động như phương thức dùng kết dư Bảo hiểm Thất nghiệp vừa mới được Chính phủ ban hành. Có như vậy với nhanh chóng, hiệu quả, lại không phát sinh rào cản từ thủ tục”.

Được biết, trong khi chờ hướng dẫn chính thức, một số địa phương đã quy định tạm thời các phương án sản xuất kinh doanh.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương về việc tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” phải quản chặt việc ra, vào công ty của người lao động, hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài cộng đồng. Trong trường hợp người lao động phải ra ngoài khi quay lại công ty phải bố trí tạm trú ở vùng đệm ít nhất 3 ngày để theo dõi.

DN cho người lao động về địa phương hoặc đón người lao động vào nhà phải có sự đồng ý của địa phương. Trong doanh nghiệp xuất hiện F0 phải kích hoạt ngay phương án phòng chống dịch của doanh nghiệp và báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, cơ quan y tế cấp huyện nơi đặt trụ sở công ty.

DN có nhu cầu đưa đón người lao động phải thực hiện 3 bước là gửi hồ sơ cho Sở GTVT; đợi kiểm tra, thẩm định hồ sơ và tiến hành nhập dữ liệu và cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR để lưu thông.

DN có người lao động đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân thì doanh nghiệp phải liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú để thống nhất việc đi về của người lao động để UBND cấp xã ký xác nhận. Giấy xác nhận trên được xem như giấy đi đường. Người lao động khi tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện 5K.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.