Thế giới

Sẽ có thay đổi địa chính trị khi bán đảo Triều Tiên thống nhất?

02/05/2018, 08:17

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình của ông Kim Jong-un...

31

Cuộc gặp Trump - Kim có thể được tổ chức tại làng đình chiến Panmunjom

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình của ông Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.

Sứ giả Trung Quốc vội vàng sang Triều Tiên

Ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sẽ tới thăm Triều Tiên trong hôm nay hoặc ngày mai (3/5). Chuyến thăm bất ngờ của nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức sau hơn một thập niên gián đoạn và đã đạt được bước đột phá lớn trong tiến trình hòa bình trên bán đảo ở Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này, Trung Quốc đang cảm thấy lo lắng khi có thể ở vào vị trí mà trước đây chưa từng xảy ra đó là “ngồi một chỗ và quan sát”.

Trong cuộc gặp lịch sử này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đồng ý cùng nhau chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay thông qua các cuộc đàm phán ba bên với Mỹ, hoặc các cuộc đàm phán bốn bên, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, GS. Zhang Liangui từ trường Trung ương Đảng Trung Quốc cho rằng, chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong những năm gần đây có thể đẩy Bắc Kinh ra khỏi tiến trình hòa bình trên bán đảo Đông Bắc Á.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng, việc Triều Tiên đang theo đuổi một chính sách nhượng bộ không chỉ khiến quốc gia này lại gần hai cựu thù thời chiến tranh Triều Tiên là Mỹ và Hàn Quốc, mà còn xóa bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và an ninh.

Nhà sử học nổi tiếng Shen Zhihua cũng cảnh báo ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề của Triều Tiên có thể đang suy yếu. Bắc Kinh không nên quá lạc quan về hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới, nhất là khi Washington có thể công nhận Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ tên lửa tầm xa và tầm trung - vốn là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.

Theo ông Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biên giới tại Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh - tỉnh có biên giới với Triều Tiên, Trung Quốc nên được tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình vì Bắc Kinh là một trong những bên ký kết hiệp định đình chiến năm 1953 cùng với Mỹ và Triều Tiên. Còn Hàn Quốc không phải bên ký kết hiệp định này.

Trump - Kim biết chiều lòng nhau

Một loạt diễn biến tích cực về mối quan hệ Hàn - Triều, Mỹ - Triều diễn ra gần đây. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nên được tổ chức tại biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, cùng địa điểm với cuộc họp lịch sử liên Triều tuần trước. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc đã thuyết phục ông Kim đồng ý với lời đề xuất này.

Lời đề nghị trên cho thấy ông Trump đã chiều ý đối tác Triều Tiên của mình - người không hề muốn rời bán đảo trong các cuộc đàm phán, một phần vì hạn chế trong phương tiện đi lại, phần vì vấn đề an ninh. Trước đó, ông Trump cũng tiết lộ rằng, các cuộc đàm phán với Triều Tiên có thể diễn ra “trong 3 hoặc 4 tuần tới”, tức là vào khoảng hai tuần cuối cùng tháng 5.

Đổi lại, Bình Nhưỡng đã đưa ra nhượng bộ lớn đầu tiên vào chủ nhật vừa qua (29/4) cho biết, sẽ đóng cửa khu thử hạt nhân Punggye-ri vào tháng 5, mời các chuyên gia và nhà báo chứng kiến ​​điều đó. Triều Tiên cũng đồng bộ cùng múi giờ với Hàn Quốc từ đầu tuần - một trong những điểm nhấn mang tính biểu tượng sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Ông Kim Jong-un cũng phản đối một tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng đề nghị đóng cửa khu thử hạt nhân chỉ vì khu vực này không còn khả năng hoạt động sau khi thử nghiệm hạt nhân cuối cùng vào tháng 9/2017.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, “có 2 đường hầm lớn còn nguyên và trong điều kiện rất tốt”. Phát biểu này của ông Kim trùng với một báo cáo phân tích trước đó do Viện Mỹ - Hàn Quốc tại Đại học Johns Hopkins công bố cho biết, Punggye-ri vẫn hoạt động bình thường vì còn 2 hầm ngầm vẫn có thể sử dụng trong tương lai.

Trong khi các nhà phân tích Trung Quốc vẫn hoài nghi việc ông Kim Jong-un thuần túy muốn phi hạt nhân hóa, dường như Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đang “xích gần” với nhau.

Ông Trump mong muốn trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên có thể chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên còn người đồng cấp Hàn Quốc lại mong mỏi một kết quả thống nhất hai miền bán đảo.

Với bối cảnh như vậy, Trung Quốc lo sợ kết quả có thể bao gồm việc Triều Tiên hoặc bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ nghiêng về phía Mỹ.

Vì vậy, GS. Zhang nhận định: “Nếu như hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đi đến một thỏa thuận lớn, thống nhất phi hạt nhân hóa để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ song phương, thì Đông Bắc Á có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong việc phân chia giới tuyến với ý nghĩa thay đổi địa chính trị to lớn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.