Giao thông

Sẽ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam thế nào?

15/05/2018, 07:00

Cách làm mới sẽ kiểm soát chặt hơn chi phí đầu tư. Nhà đầu tư hưởng phần chi phí họ tiết giảm được.

1

Khi dự án đã đấu thầu xong, nhà đầu tư được đưa ra các biện pháp kỹ thuật để tối ưu hóa chi phí (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Tạ Tôn

Các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được tổ chức đấu thầu cạnh tranh trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt. Nhà đầu tư dự án sẽ phải chấp nhận cơ chế lời ăn lỗ chịu.

Giảm kinh phí nhà đầu tư được hưởng

Theo Nghị quyết 20 của Chính phủ ban hành ngày 28/3/2018, các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được Bộ GTVT triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư. Đồng thời, nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng - giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng. Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

"Bộ GTVT có trách nhiệm lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sát, đúng theo các quy định đã có và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, do dự án đấu thầu quốc tế nên Chính phủ cũng thành lập tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, địa phương nơi dự án đi qua và chuyên gia với mục đích đảm bảo sự minh bạch, đưa ra sản phẩm tốt nhất”.

Ông Nguyễn Viết Huy
Phó vụ trưởng Vụ PPP

Nói rõ về quy định này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, đây là cơ chế hoàn toàn mới so với quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT thời gian qua. Cụ thể, trước đây, các quy định của pháp luật cho phép dự án BOT được tiến hành đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 20 và Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức PPP vừa được ban hành đầu tháng 5, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án được thực hiện theo hướng bài bản và chặt chẽ hơn.

“Các dự án sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở tính toán phương án tài chính rồi mới tiến hành đấu thầu. Việc này cũng giống như đấu thầu xây lắp để lựa chọn nhà thầu. Sau khi trúng thầu, nhà đầu tư được quyền thay đổi, điều chỉnh giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, áp dụng công nghệ mới và được hưởng hoặc chịu chi phí chênh lệch, tức là lời ăn lỗ chịu”, ông Huy nói và cho biết, Bộ GTVT chỉ giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

Về quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Huy cho biết, sau khi các dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển để loại bỏ nhà đầu tư yếu kém. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án.

“Các dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam là những dự án quan trọng, vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nên các nhà đầu tư được lựa chọn trong hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong đầu tư và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông”, ông Huy nói và cho biết, giá đấu thầu dựa vào tổng mức đầu tư theo thiết kế kỹ thuật và dự toán.

2

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Không lo thanh tra, kiểm toán

Cũng theo ông Nguyễn Viết Huy, nghị quyết của Chính phủ cho phép giá trị trúng thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Tức là, sau khi bỏ thầu, nhà đầu tư nào bỏ giá thấp nhất sẽ trúng thầu và giá trị đó là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư.

“Cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm toán sẽ không xem xét lại giá trị đó nữa”, ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, cơ bản thời gian hoàn vốn của các dự án cao tốc Bắc - Nam được xây dựng giống nhau, dự kiến trong khoảng thời gian 23 - 24 năm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, quy định đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam khi phê duyệt thiết kế, kỹ thuật và dự toán có nhiều tính ưu việt, tạo điều kiện để các nhà đầu tư chủ động, phát huy tính sáng tạo trong quá trình thực hiện dự án. Bởi, cùng một thiết kế, tiêu chuẩn, nhà đầu tư nào có năng lực, kinh nghiệm sẽ chỉ đạo được nhà thầu đưa ra những giải pháp cải tiến chất lượng, hoặc thay đổi giải pháp thi công để tối ưu hóa chi phí, trên cơ sở vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ theo yêu cầu của dự án.

“Hơn nữa, trong cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án PPP giao thông, phần lãi vay trong thời gian đầu tư xây dựng rất lớn. Nếu nhà đầu tư nào có kinh nghiệm, năng lực tốt, chỉ đạo và yêu cầu được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án sớm hơn sẽ tiết giảm được rất nhiều phần chi phí lãi vay so với dự toán, làm tăng hiệu quả đầu tư hơn rất nhiều”, ông Thế nói.

Giải thích cụ thể hơn, theo ông Thế, thời gian qua, các dự án BOT giao thông thực hiện quyết toán theo cơ chế thực thanh, thực chi. Tuy nhiên, cái nào thực thanh, thực chi thấp hơn giá trị dự toán, định mức cơ quan Nhà nước mới chấp thuận, còn cái nào cao hơn định mức, dự toán so với quy định, quy chuẩn thì cơ quan Nhà nước cắt bỏ. Nghĩa là, nhà đầu tư đưa ra các giải pháp tiết giảm chi phí, làm lợi cho dự án lại không được hưởng, nếu làm cao hơn bị cắt đi và nhà đầu tư phải chịu, làm triệt tiêu sự chủ động, sáng tạo của các nhà đầu tư.

“Về mặt pháp lý, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào ngay từ giai đoạn lập dự án, thiết kế kỹ thuật để xác định con số chính xác về tổng mức đầu tư để đưa ra đấu thầu. Khi dự án đã đấu thầu xong, nhà đầu tư đưa ra các biện pháp kỹ thuật để tối ưu hóa chi phí là quyền của nhà đầu tư. Lúc này, cơ quan Nhà nước chỉ tập trung kiểm tra, giám sát vào việc nhà đầu tư trong công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng và các tiêu chuẩn theo yêu cầu của dự án, còn không tiến hành thanh tra, kiểm toán chi phí đầu tư nữa”, ông Thế chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cũng cho rằng: “Đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu để xác định rõ cơ sở pháp lý về quy trình thủ tục, giá trị dự toán, tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi triển khai, cơ quan Nhà nước chỉ có kiểm tra, giám sát về mặt tiến độ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.