Xã hội

Sẽ đến lúc công chức không cần nộp cả xấp chứng chỉ

08/11/2019, 06:25

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định thi tuyển cán bộ Nhà nước tới đây không cần yêu cầu bằng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

img
Ảnh minh họa

Hôm qua, trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính thức thừa nhận việc tuyển, nâng ngạch cán bộ công chức, viên chức cần quá nhiều chứng chỉ là không phù hợp, là do quy định đã tồn tại cách đây hơn 20 năm mà chưa kịp sửa.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ bắt tay sửa ngay quy định này, để không phát sinh thêm thủ tục phiền hà gì nữa. Chất lượng công chức viên chức sẽ được kiểm tra trực tiếp, không phải mang đến rất nhiều chứng chỉ mà trình độ không nâng cao là mấy.

Tức là, ông Bộ trưởng khẳng định thi tuyển cán bộ nhà nước tới đây không cần yêu cầu bằng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Thông tin được đăng tải trên các báo, nhiều người hồ hởi. Nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn Báo Giao thông ủng hộ mạnh mẽ sự đổi mới này của Bộ Nội vụ.

Bạn đọc Hòa An (Hà Nội) viết: “Có thế chứ, chỉ cần có bằng đại học là trình độ ngoại ngữ, tin học phải tương đương bậc mấy rồi, sao phải tốn công sức đi học thêm chứng chỉ chỉ để đủ điều kiện để thi tuyển. Quy định 26 năm trời không thay đổi là quá bất cập”.

Bạn đọc Sĩ Hòa (Bình Định) chia sẻ: “Cuối cùng, thắc mắc nỗi khổ sở của bao viên chức đã có câu trả lời. Rất mong quy định bỏ các chứng chỉ khi xét tuyển, nâng ngạch sớm áp dụng, xã hội bớt được bao nhiêu tiền bạc, thời gian”.

Tuy nhiên, nhiều độc giả lại có góc nhìn khác khi cho rằng “cải cách” phải thận trọng thấu đáo nếu không sẽ phát sinh chi phí thi tuyển, rồi bùng phát nạn chạy chọt khi thi ngoại ngữ, tin học để xét đầu vào công chức.

Quan trọng nhất là đánh giá hiệu quả công việc. Tại sao người ta không đi học để nâng cao trình độ mà chỉ chăm chăm chạy chọt để lấy bằng cấp? Vì cơ chế hiện nay, chỉ cần “lọt” qua kỳ thi tuyển, là dốt nát đến mấy cũng yên tâm ngồi đó lĩnh lương ngân sách. Nếu không thay đổi cơ chế này, thì dùng chứng chỉ hay thi tuyển cũng phát sinh tiêu cực như nhau.

“Chỉ khi nào, người kém không tồn tại được trong bộ máy, ai không làm được việc phải nghỉ thì khi ấy mới không còn đau đầu vì nạn “mua” bằng cấp như hiện nay”, bạn đọc Vĩ Văn (TP. HCM) bình luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.