Quản lý

Sẽ phân cấp mạnh cho địa phương nạo vét luồng đường thủy

14/09/2017, 08:00

Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo nghị định quản lý hoạt động nạo vét duy tu luồng hàng hải, đường thủy...

13

Nhiều luồng đường thủy quốc gia thuộc địa phận 2-3 tỉnh, nên việc giao cho địa phương nào cấp phép dự án cũng là vấn đề đang được đặt ra

Nhà đầu tư không được đề xuất dự án

Cục Hàng hải VN cho biết, đơn vị này đang chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và luồng ĐTNĐ. Việc đề xuất ban hành nghị định điều chỉnh chung cả 2 lĩnh vực nhằm tạo lập hành lang pháp lý cao nhất để có sự thống nhất phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, giải quyết những bất cập vướng mắc về cơ chế huy động vốn xã hội hóa (XHH) mà cả 2 lĩnh vực đều gặp phải, gây lúng túng cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư.

Giám sát khối lượng nạo vét bằngcông nghệ AIS

Để tránh việc nhập nhằng và không kiểm soát được khối lượng nạo vét như một số dự án trước đây, dự thảo nghị định lần này cũng quy định lắp đặt thiết bị giám sát tự động trên cả phương tiện thi công và vận chuyển đổ vật liệu nạo vét. Trên phương tiện phải lắp hệ thống nhận dạng tự động AIS (cung cấp thông tin hành trình di chuyển, hỗ trợ tránh va), camera ghi hình ảnh khoang chứa vật liệu nạo vét từ khi di chuyển đến bãi đổ...

Dự thảo lần này có những nội dung hoàn toàn mới so với hiện nay, trong đó có việc quản lý các dự án thực hiện bằng nguồn vốn XHH nạo vét luồng đường thủy, điều chỉnh cả dự án luồng đường thủy quốc gia và địa phương. Đơn cử như: Tháng 1 hàng năm, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý chuyên ngành đường thủy T.Ư và địa phương sẽ công bố danh mục dự án XHH nạo vét luồng đường thủy (gồm tên, mục tiêu, địa điểm dự án, các thông số kỹ thuật cơ bản, khối lượng nạo vét dự kiến và thời gian thực hiện) để kêu gọi XHH đầu tư.

“Nội dung dự thảo cũng bỏ quy định nhà đầu tư được đề xuất dự án như trước đây, thay vào đó chỉ được đăng ký thực hiện dự án trong danh mục được công bố. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Các phương tiện thi công dự án phải tuân theo quy định kiểm soát bằng thiết bị giám sát tự động, từ xa”, một thành viên Ban soạn thảo thông tin. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hợp đồng, tối đa không quá 49% cho nhà đầu tư khác.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Kế hoạch & Đầu tư của Cục ĐTNĐ Việt Nam, việc cơ quan quản lý công bố danh mục dự án, tổ chức đấu thầu dự án giúp tạo sự công khai, minh bạch ngay từ đầu. Tuy nhiên, các bước này do nhà đầu tư chưa bỏ vốn vào nên cần có nguồn vốn ngân sách để thực hiện. Để giải quyết vấn đề trên, dự thảo quy định dùng vốn ngân sách được cấp hàng năm cho Bộ GTVT, địa phương để thực hiện (kể cả chi phí quản lý, giám sát dự án) và hoàn lại một phần từ dự án.

Nên phân cấp thế nào?

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm là việc phân cấp giữa các bộ, ngành với các địa phương sẽ được tiến hành thế nào. Trước đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam là đơn vị ký hợp đồng thực hiện dự án với nhà đầu tư. Còn theo dự thảo, UBND cấp tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng với nhà đầu tư.

Đối với dự án trên luồng đường thủy quốc gia nằm trên phạm vi quản lý của nhiều địa phương, Bộ GTVT thống nhất với các địa phương liên quan về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án. Ông Nguyễn Văn Tính, quản lý cho một dự án trước đây trên sông Hồng đoạn giáp ranh Thái Bình - Hà Nam - Hưng Yên nhận định: “Việc nhà đầu tư tự khảo sát, đăng ký dự án như trước đây có nhiều rủi ro, vì thực tế không ít dự án chỉ làm giữa chừng rồi phải dừng lại vì không có sự đồng thuận của địa phương hoặc người dân phản ứng. Nhà nước công bố dự án, còn nhà đầu tư đấu thầu sẽ tạo sự công khai, minh bạch, tránh rủi ro cho nhà đầu tư”.

Một lãnh đạo Hội Cảng, đường thủy và thềm lục địa VN (đề nghị không nêu tên) cũng ủng hộ việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án XHH nạo vét luồng đường thủy. Luật Giao thông ĐTNĐ phân cấp quản lý luồng đường thủy quốc gia do T.Ư quản lý và luồng địa phương do địa phương quản lý. Vì thế, các hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng luồng đường thủy quốc gia cần có vai trò của cơ quan được giao trách nhiệm quản lý luồng. Quan trọng nhất là phải có chế tài để gắn liền thẩm quyền với trách nhiệm của cơ quan cấp phép, quản lý dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.