Đường sắt

Sẽ tách bạch quản lý với kinh doanh hạ tầng đường sắt

16/05/2018, 07:02

Tới đây cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ có sự thay đổi so với hiện nay...

1

Việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng đường sắt - Ảnh: ĐSVN

Tiềm năng chờ... cơ chế

Thời gian tới, sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản lý, khai thác tài sản gắn liền với kết cấu hạ tầng đường sắt khi triển khai thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/7). Điều này được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, vận tải đường sắt.

Ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, hiện Tổng công ty Đường sắt VN đang đảm nhận hầu hết các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh (quản lý, bảo trì, khai thác hạ tầng, vận tải) hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia. Do hạ tầng được quản lý khép kín bởi doanh nghiệp nên dẫn đến hạn chế là chưa có sự tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến việc khai thác tài sản gắn liền kết cấu hạ tầng đường sắt chưa hiệu quả.

“Bất cập là doanh nghiệp quản lý toàn bộ nên không báo cáo Cục các vấn đề liên quan để phục vụ quản lý nhà nước. Đơn cử như tình trạng kỹ thuật hạ tầng, biến động tài sản hạ tầng... Khi muốn lấy thông tin, Cục phải lấy từ nguồn khác”, ông Hiền nói.

Để triển khai Nghị định 46 của Chính phủ, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN chủ trì xây dựng danh mục chi tiết tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trình Bộ trước ngày 20/5; chủ trì xây dựng giá quy ước để hạch toán tài sản; rà soát, phân loại tài sản. Cục Đường sắt VN chủ trì trình các phương án giao tài sản trước ngày 30/10 và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Còn theo đại diện Bộ Tài chính, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là khối tài sản đặc biệt lớn. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô khối hạ tầng đường sắt Nhà nước giao. Đơn cử, trên đường sắt quốc gia có 287 ga và hơn 6.000ha đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng có thể khai thác, nhưng diện tích sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%. Bên cạnh đó, hiện cũng đang xảy ra tình trạng quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trung bình mỗi năm ngành Đường sắt chỉ khai thác được khoảng 350 tỷ đồng từ hạ tầng đường sắt, trong khi ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù bình quân khoảng 1.200 tỷ đồng/năm để thực hiện bảo trì. Doanh thu thấp do thiếu cơ chế tạo động lực khai thác các tài sản hạ tầng không trực tiếp liên quan đến chạy tàu (nhà ga, kho bãi), cũng như  bất cập trong việc tính phí, giá cho thuê hạ tầng liên quan trực tiếp đến chạy tàu.

Cụ thể, phí sử dụng hạ tầng đường sắt được tính dựa trên 8% doanh thu vận tải của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt và giá cho thuê (trích 20% doanh thu sau khi trừ các chi phí liên quan) chưa phản ánh kết quả cuối cùng của kinh doanh. “Điều này chưa hợp lý theo cơ chế thị trường, làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải và các đơn vị thuê kết cấu hạ tầng, dễ thất thu kinh phí để tái đầu tư hạ tầng đường sắt, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”, đại diện Bộ Tài chính nêu vấn đề.

Thực tế cho thấy, cũng do chưa có cơ chế tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động doanh nghiệp nên Tổng công ty Đường sắt VN chủ yếu khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện có, hầu như không thể chủ động vay vốn đầu tư vào hạ tầng để gia tăng giá trị khai thác. Hiện, có nhiều cảng biển, khu công nghiệp chỉ chờ khoảng vài kilomet đường sắt là có thể kết nối với đường sắt quốc gia với cảng biển, nhưng việc đầu tư chỉ có thể trông chờ từ... ngân sách.

2

Lâu nay, do chưa tách bạch giữa quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc khai thác tài sản gắn liền kết cấu hạ tầng đường sắt chưa hiệu quả - Ảnh: Văn Thịnh

Chờ làn gió mới…

Theo Cục Đường sắt VN, tới đây cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ có sự thay đổi so với hiện nay và có sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sử dụng, khai thác của doanh nghiệp. Cơ sở để đổi mới phương thức này là Nghị định 46 ngày 14/3/2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/7) quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo đó, tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia được phân chia thành hai loại: Có liên quan trực tiếp đến chạy tàu (như đường sắt, ga, hệ thống tín hiệu) và không liên quan đến chạy tàu (như kho bãi hàng, công trình dịch vụ tại ga). Tài sản này được giao theo ba phương thức: Cho doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức đầu tư vốn nhà nước; giao cho cơ quan Nhà nước chuyên ngành của Bộ GTVT quản lý tài sản; giao cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Việc khai thác cũng gồm ba phương thức: Cơ quan giao quản lý tài sản được trực tiếp khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản. “Căn cứ quy định của nghị định, Cục Đường sắt VN đang xây dựng để đề xuất các hình thức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gồm: Giao doanh nghiệp tiếp nhận và bảo toàn vốn đối với tài sản hạ tầng không liên quan trực tiếp đến chạy tàu; giao Cục Đường sắt VN quản lý hoặc giao Tổng công ty Đường sắt VN trong giai đoạn nhất định”, Phó cục trưởng Nguyễn Huy Hiền nói và cho biết, đề xuất cụ thể còn phụ thuộc vào kết quả kiểm kê, phân loại tài sản dự kiến đến tháng 10 mới hoàn thành.

Trong khi đó, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, doanh nghiệp phải thực hiện theo các quy định chặt chẽ nên không có chuyện tổng công ty “ôm” quản lý nhà nước về đường sắt như nhiều người nghĩ. Tới đây, tổng công ty vẫn thực hiện quản lý, điều hành, kinh doanh hạ tầng đường sắt hiện có. Nghị định 46 sắp có hiệu lực nhằm tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, xác định thẩm quyền của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

“Điều này tạo điều kiện cho xã hội hóa, mở rộng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, không phải chỉ Tổng công ty Đường sắt VN. Chẳng hạn, có một doanh nghiệp ngoài ngành Đường sắt thuê, đầu tư một tuyến nhánh để quản lý, khai thác, kinh doanh hạ tầng. Doanh nghiệp này không nhất thiết phải tách kinh doanh hạ tầng riêng, vận tải riêng mà có thể quản lý cả tuyến, tổ chức, điều hành chạy tàu, vận tải”, ông Hoạch nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.