Quản lý

Sẽ tăng quyền, siết trách nhiệm các ban quản lý dự án giao thông

14/01/2020, 05:56

Các ban QLDA giao thông sẽ được tăng thẩm quyền, chủ động trong đầu tư xây dựng cơ bản. Bộ GTVT giữ vai trò chủ đầu tư các dự án trọng điểm.

img
Công nhân CIENCO 4 thi công cầu cạn (đường vành đai 3) Mai Dịch - Nam Thăng Long

Chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư xây dựng

Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực GTVT. Điểm đáng chú ý nhất của đề án là Bộ GTVT sẽ tiến hành phân cấp chủ đầu tư các dự án. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ chỉ giữ vai trò chủ đầu tư đối với các dự án trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ là cấp quyết định đầu tư. Còn lại, Bộ GTVT sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền cho các ban quản lý dự án giao thông (PMU) làm chủ đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, việc điều chỉnh chức năng chủ đầu tư các dự án từ Bộ GTVT cho các PMU hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

“Chủ trương giao phân cấp chủ đầu tư sẽ giúp các ban QLDA tăng quyền, nhưng trách nhiệm cũng sẽ tăng lên. Đồng thời, chủ trương này sẽ làm tăng tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ GTVT”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Hiển, khi được giao làm chủ đầu tư, các PMU sẽ chủ động nhiều việc trong quá trình thực hiện dự án. Đơn cử như trước đây, công trình có sự thay đổi về thiết kế, dù chỉ là một hạng mục nhỏ như cống chui, các PMU đều phải trình hồ sơ lên các cục, vụ liên quan thẩm định để Bộ GTVT phê duyệt.

“Sắp tới, nếu được giao đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư, các ban QLDA sẽ có thẩm quyền phê duyệt luôn”, ông Hiển nói và cho biết thêm, khi được giao quyền làm chủ đầu tư, các PMU giao thông sẽ được quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình… thay vì phải trình lên Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, việc các PMU được tăng quyền sẽ gắn liền với trách nhiệm tăng thêm, bởi lúc đó các ban sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước pháp luật đối với vai trò chủ đầu tư. Để thực hiện được việc tăng quyền, đòi hỏi cơ cấu tổ chức, nhân sự và năng lực của các PMU phải ngang tầm, đáp ứng đủ điều kiện và năng lực về vai trò của chủ đầu tư.

Cũng theo ông Hiển, khi thực hiện phân cấp, phân quyền, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng vẫn tiếp tục được siết chặt ở tất cả các khâu. Các ban QLDA chỉ được quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

“Trước đây, vai trò của Cục QLXD&CLCTGT là cơ quan tham mưu, thẩm định để Bộ GTVT phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án. Sắp tới, khi đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực GTVT được thông qua, Cục QLXD&CLCTGT sẽ chỉ đóng vai trò là cơ quan chuyên môn về xây dựng”, ông Hiển chia sẻ.

Buộc PMU phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Trong gần 20 năm qua hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi từ nguồn vốn đầu tư đến hệ thống quy định pháp luật nên hệ thống quản lý, bộ máy tổ chức cũng cần phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trước đây, nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông chủ yếu là vốn ngân sách, nay cơ cấu vốn đã đa dạng, đặc biệt là tỷ trọng vốn cho các dự án PPP giao thông ngày càng lớn. Hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, điển hình là Luật Xây dựng cũng có nhiều thay đổi, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên bộ máy tổ chức, phương thức điều hành cũ để áp dụng vào quản lý hoạt động đầu tư xây dựng sẽ không phù hợp” ông Long nhận định và đánh giá chủ trương phân cấp, phân quyền, giao cho các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư trong thời gian tới rất đúng đắn và phù hợp.
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nhận định, khi được giao quyền làm chủ đầu tư, các ban sẽ phải nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức lại mô hình phù hợp, đảm bảo quản lý chặt chẽ các dự án theo yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, tiến độ công trình.

“Ban nào không tự đổi mới, không có tính chuyên nghiệp sẽ rất khó đáp ứng vai trò làm chủ đầu tư”, ông Hoàng nhận định và cho rằng, để đảm nhiệm vai trò làm chủ đầu tư, các ban QLDA phải có các phòng thẩm định kỹ thuật, phòng giám định chất lượng, phòng tổ chức đấu thầu… đáp ứng được nhu cầu về mọi mặt trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.

“Không phải ai cũng làm chủ đầu tư được bởi công việc này đòi hỏi phải chịu áp lực rất lớn. Tôi cho rằng, để thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho các ban làm chủ đầu tư, Bộ GTVT nên rà soát lại các ban để nâng cao bộ máy tổ chức, chất lượng nhân sự. Riêng với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng thực hiện mô hình này”, ông Hoàng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, Bộ GTVT cần thiết rà soát lại năng lực của các ban trước khi thực hiện việc phân cấp phân quyền, bởi chủ đầu tư sẽ phải phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế thi công, dự toán.

“Trước đây, các cục, vụ của Bộ GTVT có chuyên môn cao hơn phê duyệt các thủ tục đó, sắp tới khi Bộ giao quyền chủ đầu tư cho các ban thì cũng cần căn cứ vào năng lực của từng Ban, từng dự án để giao nhiệm vụ”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, khi các PMU được giao làm chủ đầu tư, chắc chắn trình tự, thủ tục triển khai dự án sẽ nhanh hơn so với việc các ban QLDA chỉ giữ vai trò đại diện chủ đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện việc phân cấp, phân quyền đạt hiệu quả cao, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các PMU trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư tại các dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, Bộ GTVT đang xây dựng và dự kiến thông qua chủ trương phân cấp chủ đầu tư dự án ở thời điểm hiện nay rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, Bộ GTVT cần nghiên cứu một cách tổng thể, đồng bộ để khi thực hiện phân cấp, phân quyền thì cơ cấu, bộ máy tổ chức, quyền hạn, chức năng của các cục, vụ, ban QLDA liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư xây dựng phải đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ mới làm chủ đầu tư dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.