Quản lý

Sẽ thay đổi tốc độ giới hạn trên cao tốc khi thời tiết xấu?

14/01/2016, 18:58

Tốc độ giới hạn trên cao tốc có thể thay đổi cho phù hợp nhất với điều kiện giao thông và thời tiết.

8

Thời tiết xấu có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường cao tốc (Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn ngày 23/9/2015 trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai)

Khí hậu thời tiết bất lợi như mưa to, sương mù làm giảm tầm nhìn và mặt đường trơn trượt là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ TNGT, đặc biệt khi xe chạy với tốc độ cao trên đường cao tốc.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do thời tiết

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa phận 2 tỉnh miền núi Yên Bái, Lào Cai thường xuyên gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi. Vài năm gần đây, trên cao tốc này đã xảy ra một số vụ tai nạn do thời tiết. Đơn cử ngày 23/9/2015, tại Km 130+500 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa phận Yên Bái) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, 7 người bị thương, vào thời điểm xảy ra tai nạn trời có mưa.

Tại tuyến Nội Bài - Nhật Tân, ngày 29/12/2015, xe khách BKS 29LD-015.56 lưu thông hướng cầu Nhật Tân đến CHK quốc tế Nội Bài bất ngờ mất lái, lao qua dải phân cách gây TNGT. Theo nhận định ban đầu của CSGT, nguyên nhân tai nạn có thể do đường trơn trượt, lái xe không làm chủ tốc độ.

Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Trần Việt Yên, giảng viên Bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT) cho rằng, TNGT trên đường cao tốc có xu hướng tăng lên khi thời tiết bất lợi. Ở những khu vực độ ẩm cao và nhiệt độ thay đổi thường xuyên, mưa to, mặt đường đọng nước dễ dẫn đến trơn trượt, giảm hệ số bám giữa bánh xe với mặt đường. Một số khu vực sương mù, sương muối cũng gây giảm tầm nhìn cho lái xe và gây mặt đường trơn trượt. “Điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt khi xe chạy với tốc độ cao sẽ tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn”, ông Yên nói.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Cường, giảng viên Bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT) cho biết, Thông tư 13 của Bộ GTVT đã quy định trong một số trường hợp thời tiết bất lợi, người lái xe phải giảm tốc độ, tuy nhiên quy định này chưa được nhiều lái xe chấp hành. “Ngoài ra, hệ thống biển báo tốc độ giới hạn trên đường hiện nay chỉ quy định cố định một giá trị tốc độ giới hạn áp dụng vào mọi thời điểm và điều kiện thời tiết khác nhau. Đây là lý do dẫn đến tình trạng xe vẫn chạy với tốc độ cao trong điều kiện thời tiết xấu”, Ths. Cường bổ sung thêm.

Dùng biển báo tốc độ động để cảnh báo

Cũng theo Ths. Trần Việt Yên, việc quản lý tốc độ xe trên đường cao tốc không chỉ đơn thuần là cắm biển báo cố định trên đường, mà phải có giải pháp ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ thông tin cho lái xe. “Tốc độ giới hạn động để đưa ra tốc độ thích hợp nhất cho người lái xe dựa trên các điều kiện thực tế về giao thông, môi trường và mặt đường thông qua các biển báo tốc độ giới hạn động là giải pháp hữu hiệu”, Ths. Yên đề xuất.

Hệ thống Tốc độ giới hạn động (VSL) được biết đến trên thế giới trong hơn 30 năm nay, hiện đã được áp dụng thành công hoặc đang được thử nghiệm tại nhiều nơi ở Australia, Mỹ và một số nước châu Âu... Đức áp dụng công nghệ thông minh này từ những năm 1970. Bộ Giao thông Đức nhận định: VSL mang đến nhiều lợi ích nâng cao an toàn đường bộ, trong đó, nhờ sử dụng hệ thống biển cảnh báo tốc độ, giới hạn tốc độ, số vụ tai nạn đã giảm 20-30%.

Trang Trần

Hiện nay trên thế giới có 3 tình huống sử dụng tốc độ giới hạn động phổ biến là khi cần đảm bảo sự êm thuận của dòng xe; Khi có các vấn đề liên quan đến thời tiết bất lợi; Khi có các sự kiện về giao thông trên đường. Tốc độ giới hạn động sử dụng các thông tin thực về giao thông, môi trường đang xảy ra trên đường từ đó tính toán ra tốc độ phù hợp nhất và thông báo đến người lái xe thông qua các biển báo điện tử. Khác với tốc độ giới hạn tĩnh, tốc độ giới hạn động có thể thay đổi cho phù hợp nhất với điều kiện giao thông và môi trường đang xảy ra trên đường.

Về lộ trình áp dụng, Ths. Yên cho rằng, trước mắt cần thực hiện tiêu chuẩn hóa tốc độ giới hạn động nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Sau đó nghiên cứu quy mô, các thử nghiệm nhằm xây dựng thuật toán điều khiển cho phù hợp. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu có thể áp dụng tốc độ giới hạn động mang tính chất khuyến cáo, sau này khi người tham gia giao thông đã quen, bắt buộc tuân thủ.

Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất này, ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, quy định về tốc độ tối đa, tối thiểu trên đường cao tốc là quy định ở điều kiện bình thường, còn khi gặp điều kiện bất thường, lái xe phải làm chủ tốc độ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Việc sử dụng tốc độ giới hạn động quản tốc độ cần có đề tài nghiên cứu cụ thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho rằng, trên các tuyến cao tốc VEC quản lý có biển cảnh báo để hạn chế tốc độ trong điều kiện thời tiết bất lợi và kết hợp nhắc nhở lái xe tại các trạm thu phí bằng loa truyền thanh, nhưng đa số hiện nay lái xe không chấp hành. Vì vậy, cần có sự kết hợp hệ thống đồng bộ từ hệ thống cảnh báo đến ý thức của lái xe và nâng cao hiệu lực của công tác quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.