Đường bộ

Sẽ thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền dự án cao tốc Hậu Giang-Cà Mau

29/12/2022, 15:27

Việc thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đang được Bộ GTVT giao đơn vị QLDA triển khai thí điểm tại dự án thành phần Hậu Giang-Cà Mau.

Trông chờ vật liệu từ 4 địa phương

Thông tin về việc khảo sát nguồn vật liệu phục vụ triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL sẽ có 4 dự án cao tốc được triển khai, gồm: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Tính toán cho thấy, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án này khoảng 47 triệu m3.

img

Theo tính toán, hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3 nhu cầu cát đắp nền đường - Ảnh minh họa.

Đáng nói, nghiên cứu cho thấy, nguồn cát đắp đáp ứng nhu cầu của hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung chủ yếu ở 4 địa phương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực ĐBSCL, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; Đồng thời, các nhà thầu thi công sẽ được giao mỏ vật liệu trực tiếp.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết: Tại buổi kiểm tra hiện tường, làm việc với các tỉnh ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ xác định, 4 dự án cao tốc trên đều là các dự án quan trọng quốc gia. Việc cấp cát không chỉ là trách nhiệm của địa phương có dự án đi qua mà là trách nhiệm chung của các tỉnh.

Ngày 14/12/2022, Bộ GTVT cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL có nguồn cát, đề nghị các địa phương có nguồn cát sông triển khai thủ tục giao mỏ mới, đăng ký khối lượng vật liệu cấp cho từng dự án theo nguyên tắc dự án nào triển khai trước sẽ được cấp trước.

Song song với nguồn cát sông, Bộ GTVT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Ban QLDA Mỹ Thuận nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Theo đánh giá ban đầu của đơn vị tư vấn, nguồn cát biển tại khu vực ĐBSCL cơ bản đáp ứng nhu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Cơ quan chuyên môn đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn đối với môi trường xung quanh.

“Bộ GTVT đã giao Ban QLDA triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi quan trắc đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ TN-MT sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.

Căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, cuối năm 2023, cơ quan chuyên môn mới đánh giá được kết quả nghiên cứu cát biển. Thời gian trước mắt, mục tiêu của Chính phủ và Bộ GTVT là sử dụng nguồn cát sống từ 4 địa phương có nguồn cát dồi dào để đảm bảo tiến độ dự án”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

img

Ngoài hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực ĐBSCL, kết quả khảo sát các mỏ vật liệu đắp cho 10 dự án thành phần còn lại đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh minh họa

10 dự án thành phần cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu

Liên quan đến vấn đề vật liệu của 10 dự án thành phần còn lại, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, quá trình lập dự án đầu tư, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, ban QLDA làm việc trực tiếp với địa phương nắm bắt được các mỏ đã có/chưa có trong quy hoạch và đảm bảo các mỏ địa phương giao cho nhà thầu triển khai là tối ưu nhất và gần nhất khu vực thi công dự án.

Mỏ vật liệu được nghiên cứu hiện lớn hơn nhu cầu của các dự án thành phần. Nguồn đất đắp được đảm bảo cung cấp vật liệu cho các dự án.

Theo đại diện TEDI, khác với giai đoạn 1, tư vấn phải đi khảo sát mỏ vật liệu theo hướng bị động, không móc nối với địa phương nên không nắm được thông tin cụ thể về hiện trạng quy hoạch. Đến khi triển khai dự án, nhà thầu đi làm thủ tục với cấp có thẩm quyền mới biết được mỏ chưa được quy hoạch.

Ở giai đoạn 2, căn cứ vào nhiệm vụ được phân giao tại Nghị quyết 18 của Chính phủ, trên cơ sở nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng và bãi đổ thải cho từng dự án thành phần, đơn vị tư vấn sẽ chấp bút cho chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở TN&MT cung cấp thông tin về quy hoạch về hiện trạng vật liệu ở địa phương. Sau đó, đơn vị tư vấn sẽ làm việc với Sở TN&MT bắn tim tuyến lên bản đồ hiện trạng quy hoạch mỏ vật liệu, lựa chọn các mỏ và đi khảo sát.

Quá trình khảo sát của tư vấn kết thúc, liên Sở TN&MT, Xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường và báo cáo UBND tỉnh ra văn bản thống nhất. Nhờ đó, việc khảo sát các mỏ đáp ứng yêu cầu được chuẩn xác hơn, khối lượng khảo sát đảm bảo lớn gấp từ 1,5 - 5,7 lần so với trữ lượng yêu cầu.

Tìm hiểu của PV, theo báo cáo khảo sát đối với 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3.

123 mỏ cát cũng đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng gần 70 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3.

Trong đó, một số dự án như đoạn Vũng Áng - Bùng sau khi cân đối đào, đắp vẫn thừa khoảng 6 triệu m3 đất, đoạn Bùng - Vạn Ninh thừa hơn 2 triệu m3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.