Ngày 15/5, liên quan đến vụ bắt được 2 con rắn hổ mây dưới chân núi Cấm (tỉnh An Giang), thông tin từ Chi cục Kiểm lâm An Giang, đã cử người xuống khu du lịch nơi đang nuôi hai con rắn nói trên để kiểm tra thông tin.
Theo ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, kết quả kiểm tra đúng là có hai con rắn như nhiều thông tin phản ánh. Đơn vị sẽ cử đơn vị chuyên môn phối hợp cùng Cảnh sát Môi trường, công an tỉnh An Giang làm việc cùng với đơn vị quản lý khu du lịch để xác định chủng loại và trọng lượng của cặp rắn.
Còn theo ông Bành Thanh Hùng, Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên (thuộc Chi cục Kiểm Lâm tỉnh An Giang), kết quả ban đầu xác định đây là cặp rắn hổ mây chúa, động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B.
Theo quy định pháp luật là không được nuôi rắn hổ mây vì đây là loài đặc biệt quý hiếm, nọc rất độc.
“Nếu nuôi nhốt không kỹ, rắn sổng chuồng ra ngoài thì rất nguy hiểm cho mọi người. Chính vì vậy không cấp giấy phép cho nuôi mà phải thu hồi để giao lại cho một đơn vị có trách nhiệm được nhà nước công nhận, cụ thể là trại rắn Đồng Tâm”, ông Hùng thông tin cho báo chí.
Được biết, chiều nay các đơn vị chức năng sẽ làm việc với nhóm người bắt được cặp rắn, cũng như người đang nuôi tại khu du lịch để có hướng xử lý.
Trước đó, các công nhân đang thi công công trình điện mặt trời dưới chân núi Cấm thì phát hiện ổ rắn gồm cặp rắn hổ mây lớn cùng nhiều rắn con, nên dùng bao bố và lưới vây bắt. Mỗi con rắn nặng 30 kg, dài 6-7 m. Chúng sau đó được đưa về nuôi tại một khu du lịch ở đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn.
Rắn mây hay còn gọi là hổ mang chúa là loài rắn thuộc họ Elapidae phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận