Thời sự Quốc tế

Sẽ xảy ra diễn biến bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối 2020?

22/07/2020, 06:58

Vẫn có khả năng hai cường quốc lớn nhất thế giới bị cuốn vào một cuộc xung đột mà chính họ cũng không thể kiểm soát.

img
Tàu khu trục của Hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông

Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn nổ ra chiến tranh nhưng trong mối quan hệ đối đầu như hiện nay, vẫn có khả năng hai cường quốc lớn nhất thế giới bị cuốn vào một cuộc xung đột mà chính họ cũng không thể kiểm soát.

Nửa còn lại của năm 2020 sẽ là thử thách với Mỹ-Trung

Khi các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ gặp nhau tại Hawaii tháng trước, lần đầu tiên trong gần 1 năm, nỗi lo sợ hai quốc gia sẽ rơi vào chiến tranh lên cao chưa từng có.

Cuộc gặp bí mật giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì diễn ra tại chính Trân Châu cảng, nơi Mỹ bị Nhật Bản không kích, đánh dấu mốc quan trọng đối với Mỹ và lịch sử thế giới.

Hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang tách nhau ra khỏi nhiều mối quan hệ hợp tác về kỹ thuật và kinh tế. Bắc Kinh và Washington cũng vướng vào cuộc chiến đổ lỗi cho nhau trên toàn cầu vì dịch bệnh chết người Covid-19. Hai bên còn mâu thuẫn trên nhiều mặt trận từ căng thẳng thương mại đến tình hình Biển Đông, căng thẳng ở Đài Loan, Tân Cương…

Không ngạc nhiên khi cuộc gặp mặt kéo dài 7 tiếng trong 2 ngày giữa hai nhà ngoại giao dường như không đủ để cứu mối quan hệ “đang rơi tự do” hay đặt dấu chấm hết cho cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai nước.

Với thế giới, chính bầu không khí thù địch và ngờ vực ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington khiến phần còn lại bị phân cực sâu sắc. Toàn cầu bị bao trùm bởi sự bất ổn, hỗn loạn và khó khăn về kinh tế trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với khủng hoảng dịch bệnh.

Nhiều quan chức chính phủ, học giả ở chính các nước này lên tiếng cảnh báo, khi sự trao đổi giữa giới quan chức và giới hàn lâm của hai quốc gia bị hạn chế và những “công cụ để giảm sốc” truyền thống như mối liên kết giáo dục, du lịch, thương mại - gần như vô dụng, mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ leo thang mâu thuẫn với tốc độ chưa từng có.

Trong bối cảnh này, “thời gian còn lại của năm 2020 là một thử thách cho cả Bắc Kinh và Washington tương tự như những gì đã xảy ra trong 5 tháng còn lại của năm 1941 với mối quan hệ của Mỹ và Nhật”, ông Graham Allison, Giáo sư về chính trị học tại Đại học Havard nhận định.

Lý giải thêm, ông Allison nói, những diễn biến bất ngờ từ động thái không kích của Nhật Bản vào Trân Châu cảng ngày 7/12/1941 đã kéo Mỹ vào Chiến tranh Thế giới thứ II - hoàn toàn vượt xa ngoài sức tưởng tượng của Washington.

Xung đột có thể đến bất ngờ

Mặc dù phần lớn các chuyên gia cho rằng, Mỹ - Trung đều không muốn bước vào cuộc chiến thảm khốc nhưng theo các nhà phân tích, vẫn có nguy cơ cao xung đột xảy ra một cách hoàn toàn bất ngờ.

Sự bất ổn lớn nhất trong quân đội của cả hai nước Mỹ - Trung nằm ở thực tế là hai quốc gia này chưa thành lập cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả và vẫn còn mơ hồ về chiến lược trọng tâm của nhau, chưa định ra những quy định phản ứng cũng như “ranh giới đỏ”. Đó chính là lý do, cả hai bên liên tiếp thử thách nhau, tăng nguy cơ và những hệ quả không thể kiểm soát”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh


“Trung Quốc từng coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để khai thác những điểm yếu từ phía Mỹ và Bắc Kinh có lẽ còn bị hấp dẫn với khả năng giải quyết xung đột lãnh thổ bằng vũ lực. Do đó, theo tôi, có khả năng thực tế rằng, Bắc Kinh sẽ tính toán sai khi cho rằng Mỹ sẽ không hoặc không thể phản ứng bằng quân sự”, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần trước đã chối bỏ những tuyên bố cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng bất chấp cái giá phải trả là mối quan hệ với Mỹ. Ông nói: “Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức, thay thế Mỹ hoặc đối đầu trực diện với Washington”.

Điều đáng nói ở đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra lời thừa nhận rất hiếm rằng hai quốc gia đang đối mặt với thách thức tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1979. Phần lớn là do đánh giá sai lầm chiến lược và sự hoang tưởng theo “kiểu McCarthy” (cụm từ thường để ám chỉ việc cáo buộc một ai đó tội lật đổ hoặc phản quốc mà không cần đến bằng chứng) của Washington.

Cách nói của ông Vương Nghị cho thấy, thay vì chọn cách trấn an dư luận về khả năng xung đột giữa hai nước, từ năm 2019 đến nay, Bắc Kinh cho thấy sự quyết đoán hơn, chuyển chính sách ngoại giao theo hướng chủ nghĩa dân tộc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà ngoại giao Trung Quốc phải thể hiện “tinh thần chiến đấu” trước những thái độ thù địch, đe dọa từ phía Mỹ và đồng minh.

Đối với Washington, bình luận từ của Ngoại trưởng Trung Quốc không đủ để thay đổi quan điểm của giới chức Chính phủ Mỹ về quan hệ song phương Mỹ-Trung hay cải thiện tỉ lệ ủng hộ của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ông Allison, còn có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - người nổi tiếng có cái nhìn tiêu cực về tương lai Mỹ-Trung, đều coi tuyên bố cải cách quân sự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vài năm gần đây, trong đó nhấn mạnh việc cần thiết để củng cố quân đội đủ sức chiến đấu và chiến thắng, là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất của xung đột vũ trang.

Không phải đến bây giờ mà từ 2 năm trước, ông Kissinger đã cho rằng: “Xét từ quan điểm lịch sử, có thể thấy, Trung Quốc và Mỹ được định sẵn sẽ xảy ra xung đột”.

Cùng chung nhận định, các nhà phân tích Trung Quốc từng lưu ý rằng, trong bối cảnh này, việc phải quản lý khủng hoảng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhưng chưa được chính phủ Trung Quốc coi trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.