Kinh tế

Sẽ xử lý các doanh nghiệp chần chừ niêm yết

05/01/2015, 06:50

Bộ Tài chính đang nghiên cứu để ban hành quy định về việc giám sát, xử lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chần chừ, tránh né việc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tập đoàn xăng dầu Petrolimex hơn 3 năm sau CPH, mới đây đã tìm được đối tác JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản) để chuẩn bị cho quá trình tiếp tục bán vốn và niêm yết.. Ảnh: TL
Tập đoàn xăng dầu Petrolimex hơn 3 năm sau CPH, mới đây đã tìm được đối tác JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản) để chuẩn bị cho quá trình tiếp tục bán vốn và niêm yết.. Ảnh: TL

Trong cuộc trao đổi với báo giới trước thềm năm 2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để đưa ra quy định giám sát, xử lý các trường hợp doanh nghiệp sau CPH đủ điều kiện niêm yết nhưng né tránh chuyện này.

Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp sau CPH còn vốn nhà nước lớn, hội đủ các điều kiện để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, ba năm liên tiếp không lỗ, đã chuẩn bị kế hoạch 5 năm sau CPH với các mục tiêu khả thi về doanh thu và lợi nhuận, chiến lược kinh doanh rõ ràng nhưng không chịu niêm yết. Nhiều doanh nghiệp đã lên sàn UPCOM quá hai năm nhưng vẫn tiếp tục “giẫm chân” tại đó.

Mong muốn của Chính phủ và Bộ Tài chính là sau khi CPH xong các doanh nghiệp đủ điều kiện phải tiến hành niêm yết ngay. Theo ông Tiến, bộ đã tính đến phương án quy định những doanh nghiệp có đủ điều kiện lên sàn niêm yết thì bỏ qua sàn UPCOM để thúc đẩy quá trình minh bạch, công khai các doanh nghiệp có vốn nhà nước, gắn hiệu quả đồng vốn nhà nước với thị trường.

“Đây sẽ là giải pháp có tính đột phá”, ông Tiến khẳng định.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sau CPH, đã lên sàn UPCOM theo đúng quy định nhưng không đủ điều kiện niêm yết cũng sẽ được rà soát lại và giám sát, xử lý doanh nghiệp thông qua hoạt động của người đại diện vốn nhà nước tại đây nhằm nâng chất các doanh nghiệp, thay vì CPH chỉ thay đổi về hình thức quản trị như mục tiêu những năm trước.

“Tóm lại, CPH các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán nay sẽ là đương nhiên, bắt buộc thay vì khuyến khích như trước,” ông Tiến nói.

Một vướng mắc hiện nay là tính minh bạch trong kế hoạch và quá trình CPH các DNNN để giúp các nhà đầu tư nắm bắt thông tin. Các nhà đầu tư hiện chưa có danh mục các doanh nghiệp lớn mà Chính phủ và Bộ Tài chính yêu cầu bắt buộc sẽ niêm yết trong năm 2015. Họ cũng không có cả danh mục công khai và thông tin về các doanh nghiệp chuẩn bị CPH, hoặc CPH xong sẽ niêm yết luôn như mong muốn của Bộ Tài chính.

Việc công khai danh mục doanh nghiệp CPH năm 2015 hiện bị tắc do năm 2014, Chính phủ ban hành Quyết định 37 về tiêu chí phân loại danh mục DNNN, trong đó mở rộng thêm danh mục các doanh nghiệp đã CPH rồi, nhà nước đã nắm dưới 65% vốn nhưng quyết định sẽ tiếp tục thoái hết vốn như trường hợp CIENCO 4 thuộc Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tiếp tục cân nhắc trường hợp các doanh nghiệp hiện Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối nhưng đã chuyển qua danh mục các doanh nghiệp không cần chi phối để bán tiếp vốn.

Như vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu tiếp tục CPH doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, gắn liền với đẩy nhanh tiến độ niêm yết trên sàn chứng khoán, bán vốn thì việc Chính phủ rà soát, công khai danh mục các doanh nghiệp, cộng với việc xử lý các doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chậm niêm yết phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, nhà đầu tư mới nhận diện được danh mục hàng hóa, cân nhắc và trở thành các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Lan Nhi/Saigontimes

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.